Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã giảm 0,7% và chỉ số Topix giảm 0,6%. Tại Hàn Quốc, Kospi giảm 1% và Kosdaq cũng giảm 1,2%. Chỉ số S&P/ASX 200 của Úc cũng giảm 0,74% trong phiên ngày 22-2 (giờ địa phương). Tại New Zealand, chỉ số S&P/NZX 50 giảm 0,64% trước quyết định tăng lãi suất của ngân hàng trung ương.
Các ngân hàng trung ương châu Á có thể cần tiếp tục nâng lãi suất nếu lạm phát lõi chưa giảm về mức mục tiêu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đà giảm trên thị trường chứng khoán châu Á nối gót "cú rơi" của thị trường Mỹ trước đó. Chỉ số Dow Jones giảm 697 điểm, tương đương 2,06% trong phiên giao dịch hôm 21-2 (giờ địa phương). Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 15-12-2022 khi tỉ lệ giảm là 2,3%.
Chỉ số Dow Jones giảm 697 điểm, tương đương 2,06% trong phiên giao dịch hôm 21-2. Ảnh: CNBC
Chỉ số S&P 500 giảm 2% và kết phiên ở mức 3.997 điểm, đánh dấu phiên giảm sâu nhất kể từ mức giảm 2,5% của ngày 15-12-2022. Chỉ số Nasdaq Composite cũng giảm 2,5% trong phiên giao dịch hôm 21-2.
Theo đài CNBC, các nhà đầu tư lo ngại lạm phát dai dẳng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, điều này có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng về thị trường của Công ty tư vấn tài chính B. Riley Wealth, nhận định không có nhân tố lớn nào khiến cho thị trường tụt dốc, thay vào đó là tác động tích lũy của hàng loạt số liệu và các phát biểu của quan chức FED đã khiến nhà đầu tư phải chú ý.
Các quan chức FED cho biết các đợt tăng lãi suất lớn hơn có thể được xét tới nếu lạm phát tăng nóng hơn dự kiến. Ngân hàng Goldman Sachs và Ngân hàng Mỹ dự báo FED sẽ tăng lãi suất thêm 3 lần nữa trong năm nay sau khi những dữ liệu được công bố mới đây cho thấy lạm phát vẫn còn dai dẳng và thị trường lao động phục hồi.
Trong ngày 22-2, FED sẽ công bố biên bản cuộc họp diễn ra hôm 31-1 đến 1-2. Các nhà hoạch định chính sách đã nâng lãi suất thêm 0,25 điểm% trong cuộc họp này. Giới đầu tư sẽ phân tích kỹ biên bản cuộc họp để dự đoán chính sách lãi suất tương lai của FED.
Ông Jeffrey Roach, kinh tế gia trưởng tại Công ty LPL Financial (Mỹ), nhận định thị trường lao động mạnh mẽ và nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi có thể khiến FED duy trì chính sách lãi suất ở mức cao vào mùa hè.
Xem thêm: mth.30275528022203202-nod-maht-naohk-gnuhc-gnourt-iht/et-couq-us-ioht/nv.moc.dln