Sau cơn địa chấn, TP Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ còn lại những đống đổ nát. Hơn một tuần qua, đoàn cứu hộ cứu nạn của Bộ đội biên phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 76 chiến sĩ đang ngày đêm hỗ trợ nước bạn tại đây.
Sát cánh với họ là những "đồng đội" đặc biệt: sáu chú chó nghiệp vụ Ê Py, Javo, Pocka, Or Tơ, Vat và Tôm Pa.
Những người bạn bốn chân
Trong ngày 14-2, ngày đầu tiên thực hiện nhiệm vụ, lần lượt vào lúc 11h, 16h45, 18h (giờ địa phương), đội chó nghiệp vụ với sáu con cùng tổ trinh sát số 1 của đội công binh cứu sập đã phát hiện ba vị trí có nạn nhân.
Trong đó, đội của ta và đội cứu hộ địa phương đã đưa được thi thể một người ra, hai vị trí còn lại bàn giao cho đơn vị sở tại.
Ngày thứ hai, đội chó nghiệp vụ đưa bốn chú chó vào tìm kiếm cứu nạn, chia làm hai tổ tại xã Haci Omer Alpagot và khu vực dân cư tại đường Harapasi. Tại đây, lực lượng của ta trinh sát tám điểm, phát hiện ba điểm có người bị nạn.
14h ngày 19-2, chó nghiệp vụ tiếp tục phát hiện một vị trí có hơi người. Đội đã bàn giao cho nhóm cứu hộ tại địa phương đào bới, đưa được ba thi thể ra ngoài. Tính đến ngày 19-2, đội đã tìm kiếm được 31 điểm, phát hiện 15 vị trí và đưa ra được 36 thi thể.
Nhiều ngày qua, những người lính "quân hàm xanh" đã cùng các chú khuyển dốc sức giúp bạn tại nhiều hiện trường thảm họa. Không chỉ có khứu giác đặc biệt thính nhạy, đôi chân của chó nghiệp vụ cũng vô cùng nhạy bén.
Tại hiện trường, chó được tháo bỏ toàn bộ áo chống rét và tất để dễ dàng "tác nghiệp" hơn khi tìm kiếm nạn nhân, không bị mắc kẹt vào thanh sắt, tấm tôn, đất đá... ngổn ngang khắp nơi.
"Khi phát hiện vị trí nguồn hơi trong tầng hầm, những chú chó kêu sủa, đào bới liên tục để các quân nhân cắm cờ, đánh dấu vị trí", từ hiện trường, đại úy Nguyễn Văn Nghĩa, phó đội trưởng đội chó nghiệp vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Chứng kiến sự giúp đỡ tận tình của bộ đội Việt Nam và đội chó nghiệp vụ, nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã rất xúc động, họ đặt tay lên phía ngực trái để bày tỏ lòng cảm kích.
Họ chia sẻ với bộ đội ta, với những "chiến binh đặc biệt" từng hộp sữa, nguồn nước, những thứ đang trở nên rất quý hiếm ở đây.
"Chúng tôi đang phụ trách tại đây, mọi thứ rất khó khăn. Chúng tôi rất cần những sự trợ giúp của các bạn. Cảm ơn các bạn rất nhiều. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều này", ông Rasit Albay, lực lượng đặc nhiệm quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, bày tỏ.
Luôn trung thành và không sợ hiểm nguy
Sáu chú chó nghiệp vụ - "vũ khí đặc biệt" của Bộ đội biên phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện nhiệm vụ lần này - thuộc hai giống chó: Becgie Đức (năm chú chó màu đen vàng) và Malinois (một chú chó màu đen).
Đây là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, có rất nhiều kinh nghiệm cứu hộ cứu nạn ở Việt Nam và đã tham dự các kỳ hội thao quân sự quốc tế Army Games. Thông thường độ sâu mà chó nghiệp vụ có thể phát hiện được nguồn hơi là từ 5 - 7m, thậm chí có lúc tới 12m.
Đặc biệt tại Việt Nam, hai chú chó Ê Py và Pocka đã tham gia nhiều vụ tìm kiếm điển hình như cứu hộ cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng, sạt lở ở Quảng Trị, sạt lở tại bãi thải mỏ than Phấn Mễ (Thái Nguyên), sạt lở ở Mai Châu (Hòa Bình) và đã tìm thấy nhiều thi thể bị chìm trong lòng đất.
"Chó nghiệp vụ luôn trung thành, luôn chấp hành mệnh lệnh, không sợ hiểm nguy, sẵn sàng nhận lệnh trong mọi điều kiện hoàn cảnh.
Bên cạnh đó, các cán bộ, huấn luyện viên cũng phải vượt qua khó khăn, chấp nhận hiểm nguy thì mới thành công trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn", thiếu tá Trần Quốc Hương, đội trưởng đội chó nghiệp vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, cho biết.
Tại Hatay, nhiệt độ ban ngày cao nhất là 11oC nhưng ban đêm lại xuống âm 2oC, thậm chí âm 5oC, chưa kể các dư chấn vẫn liên tục xảy ra.
Do vậy, công tác tìm kiếm của chó nghiệp vụ cũng như của huấn luyện viên thường xuyên gặp khó khăn, có thể bị thương bất cứ lúc nào. Sau mỗi nhiệm vụ cứu hộ, tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, các quân nhân đều dành thời gian động viên, chăm sóc, vỗ về những người bạn để cùng nhau cố gắng thực hiện nhiệm vụ tiếp theo.
Anh Hương kể lại, trong ngày thứ hai làm nhiệm vụ tìm kiếm, chó Javo (màu đen) của lực lượng biên phòng đã bị thương. Khi ấy, tại hiện trường có rất nhiều mảnh thủy tinh, các thanh sắt nhọn ngổn ngang.
Chó Javo trong lúc tìm kiếm đã bị mảnh kính cứa vào chân, vết đứt sâu và chảy nhiều máu. Sau hai ngày được bác sĩ thú y cầm máu, điều trị, Javo đã lại tiếp tục làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Trần Quốc Hương khẳng định toàn đội sẽ nêu cao tinh thần tự giác, ý thức tổ chức kỷ luật, phối hợp cùng các lực lượng chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức quốc tế trong công tác tìm kiếm cứu nạn một cách bài bản, hiệu quả.
Qua đó thể hiện được vai trò, vị thế cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thảm họa quốc tế của Bộ đội biên phòng nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung.
Ngày 19-2, trung tướng Lê Đức Thái, tư lệnh Bộ đội biên phòng, đã gửi thư động viên đội huấn luyện chó nghiệp vụ đang làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thư, trung tướng Lê Đức Thái nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã cử những cán bộ có kinh nghiệm, kỹ năng chuyên môn cao và chó cứu hộ tham gia đoàn công tác của Bộ Quốc phòng tới cứu hộ, cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Tư lệnh Bộ đội biên phòng đề nghị các thành viên trong đội tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm sự chỉ huy, chỉ đạo của trưởng đoàn, giữ nghiêm kỷ luật quân đội, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Sau 9 ngày làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt trong các đống đổ nát sau thảm họa động đất, đoàn 24 cảnh sát của Bộ Công an đã về đến Hà Nội.
Xem thêm: mth.10402623212203202-yk-ihn-oht-o-teib-cad-hnib-neihc-gnuhn-uv-peihgn-ohc-iod/nv.ertiout