Trong dịp một năm chiến sự, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đích thân đến Kiev để thể hiện thông điệp ủng hộ Ukraine, trước khi sang Ba Lan thảo luận với các đồng minh NATO.
Tại Ba Lan, ông Biden đưa ra bài phát biểu quan trọng về tình hình Ukraine, gần như cùng thời điểm với bài phát biểu ngày 21-2 trước Quốc hội và các lãnh đạo quân đội Nga của Tổng thống Vladimir Putin.
Các kịch bản
Tại Kiev, tuyên bố "ủng hộ đến cùng" của ông Biden đã tiếp thêm sự tự tin cho chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc xung đột tới nay vẫn chưa nhìn thấy lối ra. Ngày 21-2, ông Zelensky nói ông hy vọng xung đột sẽ chấm dứt vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, việc dự đoán về cuộc chiến trong vài tuần tới không đơn giản khi Nga đang đẩy mạnh tấn công ở chiến tuyến, từ Kharkov đến Zaporizhzhia, để giành kiểm soát khu vực miền đông Ukraine.
Sự thất thủ của các khu vực chiến lược như Bakhmut là tín hiệu cho thấy Nga vẫn còn nguồn lực rất lớn cho cuộc chiến.
Trong khi đó, Ukraine sẽ cần thời gian để tiếp nhận xe tăng, phương tiện chiến đấu và các vũ khí khác của phương Tây để chọc thủng phòng tuyến của Nga, hiện dày đặc và chắc chắn hơn so với cách đây vài tháng.
Các quan chức phương Tây dự đoán không quân Nga sẽ đóng vai trò lớn hơn trong đợt tấn công này. Theo nhà phân tích Tim Lister của CNN, Nga có thể huy động thêm quân và tên lửa để "tất tay" trong chiến dịch mới.
Ở một kịch bản khác, sau đợt giao tranh dữ dội vào mùa xuân năm nay, xung đột sẽ chuyển sang giai đoạn bế tắc nghiêm trọng hơn với thiệt hại và thương vong rất lớn. Và trong kịch bản đó, cuộc chiến sẽ khó kết thúc trong năm 2023.
Thời gian qua, các quan chức Mỹ và Ukraine cũng lên tiếng về khả năng Trung Quốc sẽ tham gia cung cấp vũ khí cho Nga. Ngày 21-2, ông Zelensky cảnh báo việc Bắc Kinh tiếp sức cho Matxcơva có thể dẫn đến chiến tranh thế giới.
Thực tế, sự can dự của Bắc Kinh (nếu có) sẽ làm leo thang cuộc chiến ở Ukraine lên một mức độ mới, giữa một bên là Trung Quốc và Nga với một bên là Ukraine và liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu.
Kế hoạch của Trung Quốc
Tuy nhiên, Trung Quốc đã tỏ rõ lập trường của họ về chiến sự ở Ukraine. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương ngày 21-2 kêu gọi các nước không "đổ thêm dầu vào lửa" ở Ukraine và cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục "thúc đẩy đàm phán" để tìm kiếm một giải pháp chính trị.
"Trung Quốc vô cùng lo ngại xung đột Ukraine sẽ tiếp tục leo thang và vượt khỏi tầm kiểm soát", Hãng tin Reuters dẫn phát biểu của ông Tần Cương.
Trước đó, trong chuyến công du châu Âu trước khi đến Nga (dự kiến vào ngày 22-2), ông Vương Nghị cũng nhiều lần khẳng định Trung Quốc ủng hộ đối thoại, không muốn xung đột tại Ukraine kéo dài và nước này sẵn sàng hợp tác vì hòa bình.
Tầm nhìn của Trung Quốc rõ ràng hơn khi nước này công bố lập trường về vấn đề Ukraine trong "Sáng kiến an ninh toàn cầu", trong đó kêu gọi "các nước lớn" hợp tác để giải quyết xung đột. Tuy nhiên, sáng kiến này không đề cập trực tiếp đến Mỹ.
Quan hệ Mỹ - Trung vẫn căng thẳng cho đến cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Đức mới đây. Khi tranh cãi về khinh khí cầu "do thám" chưa kết thúc, ông Blinken đã cảnh báo Bắc Kinh về "lằn ranh đỏ" cung cấp vũ khí cho Nga - điều mà ông Vương chỉ trích là can thiệp quan hệ Nga - Trung.
Theo giới quan sát, ông Vương sẽ tăng cường vai trò của Trung Quốc đối với xung đột ở Ukraine trong chuyến thăm Nga. Truyền thông Nga cho biết ông Vương dự kiến thảo luận về kế hoạch hòa bình Ukraine với các nhà lãnh đạo ở Matxcơva.
Tuy nhiên, chưa chắc ý tưởng hòa bình của Trung Quốc sẽ "lọt tai" các nước phương Tây. Phát biểu với báo giới, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng Bắc Kinh đến nay vẫn không lên án Nga về cuộc chiến, và đưa ra kế hoạch "khá mập mờ".
Theo nhà lãnh đạo NATO, hòa bình chỉ đạt được nếu Nga tôn trọng chủ quyền của Ukraine và rút quân. Các quan chức và nhà ngoại giao châu Âu giải thích việc phương Tây lo ngại kế hoạch hòa bình của Trung Quốc là vì nó có thể làm suy yếu nỗ lực tập hợp các nước lên án Nga tại Liên Hiệp Quốc.
"Sự ủng hộ của chúng tôi dành cho Ukraine sẽ không lay chuyển. NATO sẽ không bị chia rẽ và chúng tôi sẽ không mệt mỏi" - Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Xem thêm: mth.78551127022203202-oan-eht-es-eniarku-us-neihc-man-1-uas/nv.ertiout