Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết đã nhận được văn bản này của Bộ Y tế. Hiện Bạch Mai cũng như các bệnh viện khác đang gặp khó khăn trong mua sắm vật tư, hóa chất cho thiết bị y tế diện "đặt, mượn".
Tại Bệnh viện Việt Đức, lãnh đạo bệnh viện cho biết đã họp với các khoa, phòng trong ngày 22-2, thống kê mới nhất là các hóa chất sử dụng cho xét nghiệm công thức máu còn đủ dùng trong đúng một tuần.
Bệnh viện cũng chỉ còn số lượng hạn chế vật tư điều trị cho bệnh nhân xẹp đốt sống, vì vậy chỉ chỉ định cho bệnh nhân cấp cứu.
Trước đó, Bệnh viện Việt Đức cũng đã thông báo thiếu hóa chất định lượng nồng độ thuốc trong máu của bệnh nhân ghép tạng, hóa chất miễn dịch, hóa chất khí máu, vật tư hút máu đông, miếng dán cố định phẫu trường, kim gây tê tủy sống...
Một số bệnh viện khác cho biết đang thiếu stent sử dụng cho bệnh nhân can thiệp tim mạch.
- Tham khảo thêm
Theo một chuyên gia y tế, khó khăn này liên quan đến điểm mới trong nghị quyết 144, các hợp đồng ký sau tháng 11-2022 (thời hạn áp dụng đến tháng 11-2023) sẽ không được bảo hiểm y tế chi trả. Trong khi hiện hầu hết thiết bị xét nghiệm sinh hóa, huyết học trên toàn quốc là thiết bị diện đặt, mượn.
"Đây là điểm vướng nhất hiện nay của chúng tôi, nếu không đủ vật tư bệnh viện sẽ chỉ tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Tôi đề nghị gỡ vướng vấn đề thiết bị xét nghiệm cho đến khi có cơ chế tài chính mới cho vấn đề này", một lãnh đạo bệnh viện cho biết.
Dự kiến ngày mai 23-2, Bộ Y tế sẽ có cuộc họp với các bộ ngành liên quan để tháo gỡ một số vướng mắc trong mua sắm vật tư, thiết bị đang ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.
TTO - Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay có tâm lý lo ngại, sợ sai từ các vụ việc tiêu cực phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế gây nên tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.