Ngày mai, 24-2, đánh dấu một năm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Khi chiến sự vừa bùng nổ, giới phân tích đã lo ngại rằng cuộc xung đột này sẽ là đòn tiếp theo giáng vào nền kinh tế toàn cầu vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Quả thật, qua một năm, xung đột đã làm trầm trọng thêm một loạt vấn đề của kinh tế thế giới như khủng hoảng lương thực, phân bón, năng lượng, lạm phát và bất ổn kinh tế. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế từ cuộc chiến không tồi tệ như nhiều người vẫn nghĩ, khi các nền kinh tế lớn vẫn tránh được kịch bản khủng khiếp nhất là suy thoái, dù tác động lên các nền kinh tế mới nổi là không nhẹ.
Một phụ nữ bán bánh mì trên đường phố TP Lagos (Nigeria) ngày 3-2. Ảnh: AP |
Chiến tranh gây đau thương cho kinh tế thế giới
Nhà kinh tế học Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ), nhận định chiến tranh “là một thảm họa của con người nhưng tác động của nó đối với nền kinh tế toàn cầu chỉ là một cú sốc thoáng qua”. Tuy nhiên, dù cú sốc này lớn hay nhỏ, nhanh hay chậm, chiến tranh vẫn gây ra đau thương cho kinh tế thế giới.
Đầu tiên là ở lĩnh vực năng lượng, với việc Nga cắt giảm đáng kể nguồn cung đã đẩy giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu tăng gấp ba lần so với thời điểm trước xung đột, theo hãng tin AP.
Anh Sven Paar (chủ một tiệm giặt ủi ở thị trấn Walduern, Tây Nam nước Đức) đang phải chi trả hóa đơn năng lượng 165.000 euro trong năm 2022, trong khi năm trước chỉ là 30.000 euro. Cho đến hiện tại, anh Paar vẫn phải cố giữ chân khách hàng bằng cách cho họ xem các hóa đơn năng lượng để giải thích lý do tiệm của anh tăng giá.
Bên cạnh đó, giá lương thực quá cao cũng đang gây ra nhiều khó khăn, đặc biệt với người có thu nhập thấp. Trước xung đột, Nga và Ukraine là hai nhà cung cấp lương thực hàng đầu cho châu Phi, Trung Đông và một phần châu Á - nơi nhiều người đang phải đương đầu với tình trạng mất an ninh lương thực. Xung đột bùng nổ đã làm gián đoạn nguồn cung, đẩy giá lương thực lên cao bất chấp nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong việc nối lại thỏa thuận vận chuyển ngũ cốc giữa Nga và Ukraine qua Biển Đen.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong quý III-2022.
Tại Ai Cập, nước nhập khẩu lúa mì số 1 thế giới, chính phủ đã kêu gọi người dân dùng chân và cánh gà làm nguồn protein thay thế. Dù gợi ý này vấp phải nhiều lời châm biếm nhưng nó cũng đẩy nhu cầu cũng như giá chân và cánh gà ở Ai Cập tăng lên. Ở Nigeria, khách hàng mua lúa mì hàng đầu của Nga, giá lương thực trung bình tăng vọt 37% trong năm qua. Giá bánh mì đã tăng gấp đôi ở một số nơi trong bối cảnh thiếu hụt lúa mì.
Trong năm qua, giá phân bón tăng kỷ lục do các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp lên ngành phân bón của Nga - vốn chiếm 25% sản lượng toàn cầu. Tại Tây Ban Nha, chính phủ đang phải chi 300 triệu euro hỗ trợ nông dân mua phân bón do giá đã tăng gấp đôi.
Chính những gián đoạn về nguồn cung do chiến tranh đã đẩy lạm phát năm 2022 lên mức cao hơn so với dự kiến. Theo số liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), lạm phát toàn cầu năm 2022 là 8,8%, tăng cao so với mức 4,7% năm 2021.
Trong năm 2022, với việc lạm phát tăng và nguồn cung giảm, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng biện pháp “lạm phát giảm kích thước” (Shrinkflation). Theo đó, thay vì tăng giá sản phẩm, nhà sản xuất sẽ giảm khối lượng nhưng giữ nguyên giá. Một khảo sát của CNBC công bố vào tháng 8-2022 cho thấy 64% người tiêu dùng được hỏi lo lắng về hiện tượng này.
Kiên cường và thích nghi
Một báo cáo do IMF công bố cuối tháng 1 cho thấy dù kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm trong năm qua nhưng những gì đang diễn ra ít ảm đạm hơn điều người ta lo ngại vài tháng trước.
Theo IMF, tăng trưởng kinh tế đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong quý III-2022. Theo đó, thị trường lao động chuyển biến tích cực, tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư tăng cao. Ngoài ra, châu Âu cũng thể hiện khả năng thích ứng tốt hơn mong đợi với cuộc khủng hoảng năng lượng, một phần nhờ mùa đông ấm hơn bình thường.
Những tháng cuối năm 2022 chứng kiến việc nhiều quốc gia nới lỏng các biện pháp kiểm soát lạm phát. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 1-2 đã áp dụng mức tăng lãi suất 25 điểm phần trăm, đưa lãi suất từ mức 4,50% lên 4,75% - mức được nhìn thấy lần cuối vào năm 2007. Đây cũng là lần thứ hai liên tiếp Fed giảm tốc độ tăng lãi suất, theo kênh CNBC.
Một yếu tố khác giúp kinh tế phục hồi đó là việc TQ mở cửa trở lại sau ba năm áp dụng chính sách “zero-COVID”. Các nhà kinh tế học cho rằng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mở cửa chính là “sự kiện kinh tế quan trọng nhất trong năm 2023” và là cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Với những dấu hiệu tích cực trên, cuối tháng 1, IMF đã dự báo triển vọng đỡ bi quan hơn cho kinh tế toàn cầu một năm sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra. Cụ thể, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ là 2,9%, tăng nhẹ so với mức dự đoán 2,7% hồi tháng 10-2022.•
Khi nào xung đột Nga - Ukraine kết thúc?
Với câu hỏi thời điểm xung đột kết thúc, nhiều nhà phân tích đã đưa ra dự đoán tương tự rằng cuộc chiến vẫn sẽ kéo dài, hoặc vài tháng, vài năm hoặc “không xác định”.
Nhà phân tích Yohann Michel của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) dự đoán xung đột sẽ vẫn còn “những tháng dài” phía trước. Trong khi đó, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Nga tại Trung tâm Phân tích hải quân ở Washington, D.C. (Mỹ) cho rằng cuộc chiến sẽ kéo dài vài năm nữa. Ông nói: “Các cuộc chiến thường có xu hướng diễn ra lâu hơn dự đoán, đặc biệt là các cuộc xung đột trong thời hiện đại”.
Biên tập viên Lucio Caracciolo của tạp chí địa chính trị Ý Limes bi quan hơn cả, ông nhận định: “Cuộc chiến này sẽ kéo dài vô tận cùng với những giai đoạn ngừng bắn dài. Nó sẽ chỉ dừng lại khi một hoặc hai bên hoặc cả hai sụp đổ”. Theo TS Benjamin Jensen, chuyên gia về chiến lược chiến tranh tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, việc chiến đấu kéo dài và mệt mỏi tiềm ẩn những rủi ro. Bởi xung đột càng kéo dài, các bên càng cạn kiệt tài nguyên nên họ sẵn sàng đánh liều.