Mở rộng nhiệm kỳ của thẩm phán ?
Điều 74 luật Tổ chức TAND năm 2014 nêu: Thẩm phán có nhiệm kỳ đầu là 5 năm, nếu được bổ nhiệm lại hoặc bổ nhiệm vào ngạch khác thì nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. TAND tối cao cho rằng quy định này tuy đã có đổi mới so với trước đây nhưng vẫn cần cân nhắc thêm vì chưa tạo tâm lý yên tâm công tác cho các thẩm phán.
Lý do là nhiệm kỳ như vậy nhưng thời gian thực hiện quy trình bổ nhiệm lại đối với thẩm phán là tương đối lâu, thời gian để nâng ngạch cũng lên tới 5 năm - quá dài và khó xây dựng nguồn nhân sự. Nhiệm kỳ, quy trình bổ nhiệm và bổ nhiệm lại còn phụ thuộc vào nhận xét của cấp ủy cùng cấp, gây ảnh hưởng đến tổ chức, hoạt động của tòa án cũng như việc thực hiện nguyên tắc xét xử độc lập của thẩm phán, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Vì vậy, trong đề cương dự thảo luật sửa đổi, TAND tối cao đề xuất quy định bổ sung theo hướng kéo dài nhiệm kỳ của thẩm phán, nhưng chưa nêu kéo dài cụ thể là bao nhiêu năm.
Vẫn theo TAND tối cao, hiện cơ chế bảo đảm an toàn cho các chức danh tư pháp tại tòa án, trong đó có thẩm phán chưa rõ ràng, chưa có chính sách bù đắp tổn thất khi bị đương sự xâm phạm, tạo thành tâm lý e ngại khi thực thi nhiệm vụ.
Để giải quyết vấn đề, TAND tối cao đề nghị xây dựng chế độ tiền lương và các phúc lợi xã hội riêng biệt cho thẩm phán, thể hiện tính đặc thù và không dựa trên bậc lương của công chức hành chính. Cùng đó là nghiên cứu bổ sung quy định về quyền miễn trừ của thẩm phán khi ra bản án, quyết định có sai sót không phải do lỗi chủ quan của mình; quy định về đảm bảo an toàn cho thẩm phán và người nhà của họ; quy định về chính sách người có công đối với thẩm phán bị tổn hại sức khỏe, tính mạng vì lý do thực hiện công vụ…
Đề xuất đổi tên gọi tòa án tỉnh và huyện
Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định mô hình TAND gồm: TAND tối cao, TAND cấp cao, TAND cấp tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư, TAND huyện/quận/thị xã/thành phố thuộc tỉnh và tòa án quân sự.
TAND tối cao cho rằng việc tổ chức tòa án chưa theo thẩm quyền xét xử mà gắn chặt với địa giới hành chính, dẫn tới phụ thuộc vào chính quyền địa phương hoặc nhận thức rằng tòa án là một đơn vị hành chính thuộc địa phương và TAND tối cao là một cơ quan bộ, ngành ở T.Ư. Điều này hạ thấp địa vị pháp lý của TAND, gây khó khăn trong xử lý, giải quyết các vấn đề về hoạt động của tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, nhất là ở các vụ án hành chính khi một bên đương sự là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Đồng thời, cơ cấu, tổ chức của các cấp tòa hiện nay cũng có nhiều bất cập, ảnh hưởng đến hoạt động của tòa án.
Chính vì vậy, cơ quan này đề xuất đổi mới mô hình TAND. Theo đó, TAND sẽ bao gồm: TAND tối cao (cơ bản giữ nguyên); TAND cấp cao (thành lập thêm các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ và phá sản); tòa án phúc thẩm (đổi tên từ TAND tỉnh/thành phố trực thuộc T.Ư); tòa án sơ thẩm (đổi tên từ TAND quận/huyện/thị xã/thành phố); tòa án chuyên biệt (tổ chức theo địa hạt nhiều tỉnh/thành phố, gồm TAND sở hữu trí tuệ, TAND hành chính và TAND phá sản, có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm các vụ việc theo lĩnh vực đặc thù) và tòa án quân sự (bổ sung nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính trong quân đội).