Vào ngày 8-2, ông Hersh đăng bài viết trên blog cá nhân với thông tin gây sốc: Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ đạo cho nổ 3 trong số 4 đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và 2 hồi tháng 9-2022.
Tranh cãi về Seymour Hersh
Có một điều chắc chắn tới lúc này là các thông tin do ông Hersh đưa ra chưa thể là bằng chứng nói Mỹ đứng sau vụ phá hoại Nord Stream. Nhưng Nga đã mang câu chuyện của ông lên Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực gây sức ép để tiến hành một cuộc điều tra độc lập về vụ việc.
Những người ủng hộ ông Hersh chỉ ra rằng các tờ báo lớn ở Mỹ đã cố tình ngó lơ bài viết của nhà báo này. Đây là chi tiết lạ vì ông Hersh là người nổi tiếng khi được trao giải Pulitzer, giải thưởng danh giá bậc nhất với một nhà báo ở Mỹ cũng như trên thế giới. Ông cũng được ghi nhận có những đóng góp thông tin bước đầu quan trọng trong vụ Watergate của tổng thống Mỹ Richard Nixon, và đưa tin về việc binh sĩ Mỹ ngược đãi tù nhân ở Iraq. Trong mắt họ, ông Hersh là một cây bút lừng danh và uy tín trong mảng điều tra.
Nhưng với những người khác, ông Hersh là một người đầy tai tiếng. Website chuyên kiểm chứng tin giả Snopes đăng bài bác bỏ thông tin của nhà báo điều tra này. Họ nhắc tới việc ông là nhân vật gây tranh cãi, "bị nhiều nhà báo chỉ trích vì quảng bá những tuyên bố theo thuyết âm mưu dựa trên các nguồn ẩn danh và suy đoán đáng ngờ".
Theo các suy đoán thông thường, nhóm ủng hộ ông Hersh nhiều khả năng là người Nga, người Trung Quốc, hoặc những người không thích chính sách của Mỹ. Nhóm phê phán ông là những người bài Nga hoặc ủng hộ chính sách của Mỹ. Đơn cử, trong bài viết chỉ trích ông Hersh nặng nề, tờ Business Insider (Mỹ) cho rằng nhà báo này đã "tặng một món quà cho (Tổng thống Nga) Putin".
Thuật toán và quan điểm chính trị
Trong một năm kể từ ngày Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine (24-2-2022), cuộc chiến trên mặt trận thông tin cũng khốc liệt không kém các diễn biến trên chiến trường.
Câu chuyện gây tranh cãi của ông Hersh phản ánh bức tranh thông tin trong thời đại số, nơi mà "điểm mù" do quan điểm chính trị chi phối càng bị sự phát triển của công nghệ tác động tiêu cực hơn.
Việc đánh giá động cơ hay "xét tư cách" của người phát ngôn là việc làm cần thiết trong kiểm định tin tức. Tuy nhiên nó cũng tùy thuộc nhiều vào việc người đọc đứng về phe nào, có quan điểm chính trị gì.
Bất chấp báo chí Mỹ đa số ngó lơ cái tên Seymour Hersh, độc giả vẫn có thể tiếp cận các nguồn thông tin trái chiều nếu chịu khó tìm kiếm. Nhưng rào cản về quan điểm chính trị sẽ ngăn họ làm điều này.
Trong nghiên cứu về truyền thông, các chuyên gia thường dùng chữ "echo chamber effect" và "filter bubbles" để nói về hiện tượng một người không thể tiếp cận sự thật toàn vẹn vì tiếp nhận thông tin trong môi trường khép kín. "Echo chamber" là "tiếng vang trong buồng thông tin" khi một người chỉ tiếp xúc với các luồng quan điểm đồng thuận với bản thân.
Trong khi đó, "filter bubbles" là "bong bóng lọc thông tin", đề cập tới cách một người bị các thuật toán "lọc" thụ động. Nếu một người thường xuyên đọc tin tiêu cực về Mỹ, thuật toán có thể khiến các công cụ mạng xã hội như TikTok hay YouTube thường xuyên gợi ý cho người ấy xem những nội dung tiêu cực tương tự về Mỹ.
Nói cách khác, trong khi chưa có giải pháp hiệu quả nào để ngăn chặn tin giả, người đọc hiện nay chỉ có thể tự cởi mở với chính mình để tiếp thu thông tin đa chiều.
Nga tiếp tục kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra
Bài viết của nhà báo điều tra Hersh đang tiếp tục được Nga sử dụng nhằm kêu gọi Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều tra độc lập vụ Nord Stream.
"Nhà báo này đang nói lên sự thật", Đại sứ Nga Vassily Nebenzia nhắc tới ông Hersh tại Liên Hiệp Quốc hôm 21-2. Đáp lại, Phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Rosemary DiCarlo kêu gọi các bên kiềm chế và tránh mọi suy đoán lúc này.
Bà nói thêm Liên Hiệp Quốc "không có quyền hạn để kiểm chứng hay xác minh bất cứ tuyên bố nào liên quan tới các vụ việc này, và chúng tôi đang đợi kết quả từ các cuộc điều tra đang được thực hiện".
Các cuộc điều tra bà DiCarlo nhắc tới là của Đan Mạch, Đức và Thụy Điển. Ba nước này cho biết đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về vụ Nord Stream và cũng đã thông báo với Nga như vậy. Trong khi đó, Mỹ đã bác bỏ thông tin trong bài viết của ông Hersh, cho đây là những cáo buộc "hoàn toàn sai sự thật".
TTCT - "Quả bom" được nhà báo Mỹ Seymour Hersh tung ra chiều 8-2 trên nền tảng trực tuyến Substack khẳng định các vụ nổ vào tháng 9-2022 tại đường ống Dòng phương bắc là kết quả hoạt động bí mật của Hoa Kỳ, với sự tiếp tay của Na Uy.
Xem thêm: mth.78232757032203202-eniarku-agn-nit-gnoht-neihc-couc-teil-cohk/nv.ertiout