Nơi ấy bình yên là những ca khúc dấu ấn Bảo Chấn một thời; có lẽ gợi nhiều ký ức với những người trẻ của thập niên 1990.
Người tổ chức nội dung cho đĩa than này - nhạc sĩ Đức Trí - cho thấy một sự chăm chút "văn bản học" với các phiên bản ca khúc: bài Giờ đây em biết, anh đưa người nghe trở lại với bản đầu tiên do Bảo Chấn viết lời (chứ không phải phiên bản phổ biến Một ngày mùa đông - nhạc Bảo Chấn, lời Dương Thụ từng rất phổ biến).
Tương tự, bài Để em còn chút yêu người cũng là một sự tìm về với nguyên bản/ bản đầu tiên thực sự (thay vì bài Biết em còn chút dỗi hờn đã quá nổi tiếng).
Bằng một nguồn cảm hứng được xây trên nền giao cảm và trân quý đặc biệt dành cho Bảo Chấn, Đức Trí chăm chút cho phần hòa âm, phối khí và thể hiện một không gian thẩm mỹ ấn tượng cho đĩa than này.
Có thể thấy sự tinh tế thông qua việc chuyển nhịp cho bài Mùa thu từ 4/4 sang 3/4 với điệu valse nhẹ nhàng, du dương qua giọng ca Bích Trâm và tiếng flute bảng lảng của Hoàng Yến, hay việc tìm lại giọng ca Mỹ Hạnh thể hiện phiên bản Giờ đây em biết như một cách lật lại một trang bản thảo chống lại sự lãng quên.
Nỗi cô đơn, sự đợi chờ, mùa thu tàn, biển cả mênh mông với dự cảm bão tố... là những hình ảnh đẹp trở đi trở lại trong ca từ Bảo Chấn. Màu sắc lãng mạn ấy như một sự nối dài liền lạc với tinh thần âm nhạc Sài Gòn - miền Nam trước đó, nhưng cũng như những nhạc sĩ cùng thế hệ, Bảo Chấn đưa vào ca khúc một tinh thần trẻ trung, tươi mới của tâm thế tuổi trẻ giai đoạn mở cửa...
Điều này được Đức Trí nắm bắt và xử lý thuyết phục qua tám ca khúc trong LP Nơi ấy bình yên.
Việc khước từ nhạc điện tử và trở về acoustic, khai thác giọng ca "tự nhiên" chân thật của người hát có thể hiểu như một cách bắt nhịp hoài niệm, tái tạo ký ức đầy nhạy cảm và bản lĩnh của Đức Trí.
Đi suốt tám ca khúc là giọng tự sự bằng piano của chính Đức Trí. Phối khí với sáo (flute), violin, alto saxophone và trumpet trong các đoạn interlude hay điệp khúc tạo nên một "thi pháp" đầy tinh tế, phong cách ngôn ngữ âm nhạc tài hoa, linh hoạt, tao nhã.
Một điều đặc biệt, các giọng ca được chọn hát trong đĩa than này được khai thác tối đa yếu tố tự nhiên, đầy quyến rũ. Biển chờ với giọng hát Hakoota Dũng Hà mang màu sắc jazz, Chiếc lá vô tình với chất giọng Cece Trương mang hơi thở funk trẻ trung.
Với những ca sĩ trẻ thành danh, người nghe cảm nhận một Lê Hiếu ung dung, lãng mạn trong Chút tàn phai hay Uyên Linh đằm thắm, đầy nội lực trong Để em còn chút yêu người. Đặc biệt, với một chủ ý về cấu trúc, Lân Nhã thể hiện ca khúc Nơi ấy bình yên đầu mặt A và Về với anh cuối mặt B tạo nên sắc thái ấm áp, trữ tình để mở và kết cho đĩa hát.
Thăng hoa mà tiết chế, uyển chuyển mà tối giản, giàu cảm xúc mà cũng đầy lý tính, đây là một đĩa than nhạc Việt với những bản thu, phối nhạc mới thực hiện, nhưng đã hội tụ các yếu tố mà người nghe đĩa than (vốn được xếp vào nhóm nghe nhạc hoài niệm và khó tính) cần: không gian âm nhạc đánh thức ký ức, hòa âm phối khí thể hiện rõ chất audiophile trau chuốt và chỉn chu...
Với Bảo Chấn, có thể khẳng định Nơi ấy bình yên là một trong số những album đẹp và nhiều dư âm nhất của ông sau một quãng dài im lặng ngắm nhìn một thời đại qua đi trong sự nghiệp và âm nhạc. Như ông viết trên bìa đĩa than này, đại ý rằng đây là tấm vé đưa ông về thời "tuổi trẻ xa xưa".
TTO - Sau 'Lối cũ ta về', 'Nhìn những mùa thu đi', chương trình 'Musique de Salon' số thứ 3 mang tới đêm nhạc Bảo Chấn - Đức Trí có nhan đề 'Nơi ấy bình yên'. Chương trình vừa diễn ra tối 5-11 tại Nhà hát VOH Music One TP.HCM.
Xem thêm: mth.10091719032203202-auq-ad-ney-hnib-ion/nv.ertiout