Hãy tạm gác chuyện độ tin cậy của số liệu, thực tế thì nhiều nhà phân tích đã tỏ ra ngạc nhiên về khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga.
2 cột trụ kinh tế Nga
Giá dầu cao và chi tiêu quân sự là 2 yếu tố đang chống đỡ cho nền kinh tế Nga.
Sau khi chiến sự Ukraine nổ ra ngày 24-2-2022, hàng trăm công ty phương Tây đã rút khỏi Nga. Cú sốc ban đầu đã khiến thị trường chứng khoán ở Nga tạm thời đóng cửa, đồng rúp thì sụt giảm, còn người dân thì xếp hàng dài tại các máy rút tiền (ATM).
Viện Tài chính quốc tế (IIF) đã dự đoán nền kinh tế Nga sẽ giảm 15% trong năm 2022. Thậm chí, vào tháng 3 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden còn bình luận kinh tế Nga "đang trên đà giảm một nửa".
Vào tháng 4-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự đoán kinh tế Nga giảm 11,2%. "Do tấn công Ukraine, Nga phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế lớn nhất từng được áp đặt", báo cáo của WB giải thích.
"Nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, suy thoái kinh tế có thể xảy ra vào năm 2022. GDP dự kiến sẽ giảm 11,2%, với rất ít khả năng phục hồi trong 2 năm tới," báo cáo cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Đài BBC, trong phần lớn thời gian của năm 2022, Nga vẫn xuất khẩu năng lượng đều đều.
Các lệnh cấm vận của phương Tây đối với xuất khẩu năng lượng của Nga chỉ có hiệu lực dần trong năm. Trong khi đó, lượng khách nhập khẩu năng lượng ổn định từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác đã thay thế chỗ "bạn hàng" châu Âu.
Nhìn chung, dầu, khí đốt, các sản phẩm dầu mỏ và các mặt hàng xuất khẩu khác như thực phẩm và phân bón… đã giúp tăng doanh thu xuất khẩu của Nga nhờ giá cả tăng cao hơn.
Sau khi hàng trăm công ty phương Tây rút khỏi Nga, các doanh nghiệp địa phương đã nắm bắt cơ hội. McDonald's bán cửa hàng rồi rời đi, doanh nghiệp Nga lập tức mua lại và đổi tên.
Các nhà máy của Nga cũng bận rộn sản xuất thiết bị cho lực lượng vũ trang, thúc đẩy nền kinh tế bằng cách chế tạo vũ khí thay vì ô tô. Tăng trưởng an ninh quân sự và hành chính công đạt 4,1% vào năm ngoái.
Tổng thống Vladimir Putin, vào tháng 1 năm nay, đã khen ngợi lĩnh vực quốc phòng vì đã chống đỡ nền kinh tế. Theo các nhà phân tích, chi tiêu quân sự gia tăng đang xoa dịu sự sụt giảm trong sản xuất công nghiệp của Nga.
Kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng lâu dài
Bất chấp những nỗ lực cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính phương Tây, các thương nhân Nga đã tìm mọi cách đưa tiền vào và ra thông qua trao đổi hàng hóa, giao dịch với các quốc gia không tham gia lệnh trừng phạt hoặc thậm chí sử dụng tiền điện tử.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không có tác động đối với nền kinh tế Nga. Một số tác động sẽ có hiệu ứng lâu dài.
Khó khăn trong nhập khẩu công nghệ cao như vi mạch sẽ kìm hãm hoạt động sản xuất của Nga.
Ngoài một số ngành vẫn tăng trưởng như nông nghiệp, khách sạn, xây dựng và khai khoáng, các ngành sản xuất và bán lẻ đều giảm trong năm 2022.
Các chuyên gia dự đoán sản lượng từ các mỏ dầu khí sẽ giảm dần theo thời gian nếu không có đầu tư, bí quyết và thiết bị từ phương Tây.
Đài CBC dẫn lời giáo sư Mark Manger từ Đại học Toronto (Canada) nhận định "nền kinh tế Nga không sụp đổ mà đang bị thu hẹp lại".
Do đó, có ý kiến cho rằng cơn bão đối với nền kinh tế Nga bây giờ mới kéo đến. Trong năm nay, WB dự báo GDP Nga giảm 3%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự đoán mức giảm 6%.
Ông Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính quốc tế, từng viết trên Twitter một cách chắc nịch: "Sự may mắn về năng lượng của Putin đã hết".
Theo ông Brooks, nhờ dầu khí, Nga đạt thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ vào năm 2022, nhưng cuối tháng 1-2023, khoản thặng dư đó đã cạn kiệt nghiêm trọng.
"Phương Tây có sức mạnh to lớn để làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của Nga. Chúng ta có thể cắt dòng tiền chảy vào Nga và chấm dứt cuộc chiến này", ông Brooks viết trên Twitter.
Còn theo giáo sư Mark Manger, nhiều người kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ nghiền nát nền kinh tế Nga và buộc Matxcơva suy nghĩ lại về cuộc chiến, nhưng đó không phải là cách các biện pháp trừng phạt hoạt động.
"Các biện pháp trừng phạt không hiệu quả trong việc lật đổ chế độ. Chúng có thể không hiệu quả trong việc ngăn chặn chiến tranh trong thời gian ngắn. Nhưng về lâu dài, chúng có thể tàn phá hoàn toàn nền kinh tế".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng sự ra đi của các doanh nghiệp nước ngoài ở Nga sẽ có lợi cho công ty Nga.
Xem thêm: mth.11500624122203202-gnuhn-yat-gnouhp-auc-naod-ud-noh-gnuv-gnud-agn-et-hnik/nv.ertiout