Dự án BOT hơn 100 tỉ đồng xuống cấp, chờ bàn giao
Mùa du lịch biển 2023 sắp bắt đầu nhưng bộ mặt du lịch của thành phố biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) lại đang nhếch nhác vì dự án (DA) không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương xuống cấp.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhiều hạng mục ở hầu hết các Hubway (công trình bar - cafe) nằm dọc trên bãi cát của bãi biển Sầm Sơn, đã xuống cấp, không thể vận hành. Nhiều nhà vệ sinh trong các Hubway hư hỏng, không thể sử dụng do đường dẫn nước bị hư hỏng; sơn mặt ngoài Hubway bong tróc, xuống cấp; các dòng chữ hư hỏng, đổ sập... Tất cả tạo nên cảnh quan rất nhếch nhác.
Ở nhiều công trình tắm tráng dọc bãi biển cũng trong tình trạng tương tự khi nhiều chỗ người được giao quản lý "chế" thêm các tủ đựng đồ hoặc phòng thay quần áo bằng tôn. Chưa kể hàng rào xung quanh điểm tắm tráng dựng sơ sài bằng các thanh luồng đã mục nát…
Một người dân được giao kinh doanh 1 Hubway cho biết, mình chỉ được giao quản lý, kinh doanh chứ không được phép sửa chữa các công trình, hạng mục của DA, nên khi đường nước hư hỏng, đường điện hư hỏng không thể tự ý sửa chữa, hay phá bỏ để làm mới được.
DA không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định đầu tư từ năm 2016, và Tập đoàn FLC là đơn vị được lựa chọn thực hiện DA, với tổng giá trị đầu tư được phê duyệt là hơn 165 tỉ đồng.
Thời điểm đó, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu DA là làm thay đổi diện mạo, không gian, cảnh quan đô thị du lịch biển Sầm Sơn; nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch theo hướng văn minh, chuyên nghiệp.
Thế nhưng, hiện nay bộ mặt du lịch của Sầm Sơn lại đang rất nhếch nhác khi công trình vẫn đang trong giai đoạn chuyển giao dù mùa du lịch đã đến gần.
Hơn 2 năm vẫn chưa chấm dứt xong hợp đồng BOT
Theo tìm hiểu của PV, Tập đoàn FLC đầu tư, xây dựng DA từ năm 2016, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành 100% công trình như thiết kế.
Cụ thể, FLC mới xây dựng được 12/18 công trình tắm tráng ngoài trời; 14/17 công trình tắm tráng trong nhà; đã xây dựng đủ 14 Hubway và 1 khu vui chơi, giải trí. Tổng giá trị tiền đã đầu tư là hơn 100 tỉ đồng.
Sau gần 3 năm (2019 - 2021) hoàn thành và khai thác, đến tháng 8.2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có chủ trương cho phép chấm dứt hợp đồng BOT. Tháng 6.2022, FLC có văn bản báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc tự nguyện bàn giao hồ sơ, các hạng mục công trình đã đầu tư cho UBND TP.Sầm Sơn quản lý, mà không phải hoàn trả lại kinh phí cho FLC. Tuy nhiên, hết tháng 11.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa chấp thuận việc bàn giao.
Đến đầu tháng 12.2022, FLC tiếp tục có văn bản gửi UBND TP.Sầm Sơn báo cáo về chi phí xây dựng và kết quả kinh doanh để làm căn cứ bàn giao DA.
Theo báo cáo của FLC, tính đến hết tháng 6.2022, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thu được là hơn 108 tỉ đồng; lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ lỗ hơn 15 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ hơn 1,5 tỉ đồng. Như vậy, kết quả kinh doanh so với chi phí xây dựng đã bỏ ra thì FLC không có lời.
Nhận được báo cáo của FLC, UBND TP.Sầm Sơn báo cáo và UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Sở KH-ĐT Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu.
Trao đổi với PV, ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở KH-ĐT Thanh Hóa cho biết, sau khi được giao nhiệm vụ, đơn vị này đã thực hiện việc tổng hợp, tham mưu gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét, quyết định. Tuy nhiên, ông Nghĩa chưa tiết lộ nội dung tham mưu có đồng ý với đề nghị của FLC hay không.
Như vậy, hiện nay việc bàn giao DA không gian du lịch ven biển phía đông đường Hồ Xuân Hương vẫn đang trong thời gian xem xét của UBND tỉnh Thanh Hóa, dù chủ trương đã có từ năm 2021.