Cấp độ 2 gồm 86 tuyến có tên gọi là phố: phương tiện xe máy, xe đạp được để trên hè song phải để gọn gàng theo vạch kẻ sơn; không có xe ô tô dừng đỗ trái quy định tại hè phố, lòng đường; không có các vi phạm lớn về kinh doanh bán lấn chiếm hè phố, lòng đường; tuyến phố tương đối sạch sẽ, không có rác tồn đọng lưu cữu; biển hiệu, biển quảng cáo, mái hiên, mái che đúng quy định.
Cấp độ 3 gồm các tuyến phố, ngõ, ngách còn lại: có thể sắp xếp một số hộ kinh doanh cho các hộ nghèo, đảm bảo lối đi cho người đi bộ, không có các vi phạm bức xúc về TTĐT tạo thành tụ điểm.
Theo ghi nhận của Thanh Niên, sau 10 ngày Q.Hoàn Kiếm đồng loạt ra quân xử lý vi phạm TTĐT, TTATGT, VSMT, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, rác thải đã giảm rõ rệt tại 12 tuyến phố kiểu mẫu. Anh Vũ Đình Trường Long (quê Quảng Ninh) cho biết, khi đi dạo ở các tuyến phố như Hàng Đào, Hàng Gai và xung quanh hồ Gươm, anh khá bất ngờ vì vỉa hè thông thoáng, đường phố khang trang, sạch sẽ không còn rác thải.
"Đây là lần thứ 4 tôi tới Hà Nội du lịch, dù chưa biết đến chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ của Hà Nội nhưng tôi cảm thấy vỉa hè đã rộng rãi hơn, không phải đi xuống lòng đường khi đi dạo quanh hồ Gươm. Hơn nữa, các tuyến phố ở đây không còn nhiều rác như ngày xưa nữa", anh Long nói.
Anh Hoài Nam (23 tuổi, trú Q.Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có biết đến các chiến dịch dẹp vỉa hè tại Hà Nội, tuy nhiên không triệt để khi một thời gian các hàng quán lại bày bán bình thường. Thói quen ăn, uống vỉa hè là đặc trưng khi nhắc đến Hà Nội. Tuy nhiên, vẫn cần các quy định cụ thể để không ảnh hưởng đến không gian sinh hoạt công cộng của người dân và người đi bộ".
Mặc dù các tuyến phố kiểu mẫu đã giảm đáng kể về tình trạng lấn chiếm vỉa hè nhưng khi đi sâu vào các tuyến phố bên trong, tình trạng này vẫn diễn ra ngang nhiên, gây mất trật tự, lộn xộn, thiếu văn minh đô thị. Điển hình như các con phố Hàng Mã, Phùng Hưng, Hàng Cót, Hàng Cân, Lương Ngọc Quyến...