Ung thư vú tuy đứng hàng thứ nhất tại Việt Nam nhưng không phải mọi khối u đều là ung thư. Nhiều chị em đi khám bệnh cầm kết quả với các chẩn đoán về bệnh nhưng không hiểu có bị ung thư hay không?
Các tổn thương không làm tăng ung thư vú
Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn (Bệnh viện K), bệnh tuyến vú lành tính là một loạt rối loạn có thể gây đau vú, nổi cục ở vú hoặc tiết dịch đầu vú. Nguyên nhân thường gặp nhất gây đau vú, nổi cục ở vú là sự thay đổi xơ nang, hiện tượng này xảy ra với gần 60% phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Nội tiết ảnh hưởng tới sự phát triển của mô vú và vì vậy có thể gây ra các tổn thương ở tuyến vú.
Các tổn thương lành tính được phát hiện bằng cách sờ nắn vùng vú hoặc chụp tuyến vú. Các tổn thương này có thể làm tăng nguy cơ vú, nhưng có những tổn thương hoàn toàn lành tính không kèm theo tăng nguy cơ phát triển ung thư vú được biểu hiện dưới các bệnh lý sau:
Các thay đổi xơ nang: Là sự tăng số lượng các nang hoặc mô xơ ở vú bình thường. Theo thuật ngữ hiện nay, các thay đổi xơ nang đơn độc không phải bệnh lý do chúng quá phổ biến.
Bệnh xơ nang: Được chẩn đoán khi các thay đổi xơ nang xuất hiện kèm theo đau, tiết dịch đầu vú hoặc có u cục gây nghi ngờ ung thư.
Bệnh đặc trưng bởi hai loại nang: các nang nhỏ được lót bởi các tế bào dẹt và các nang lớn lót bởi lớp tế bào chế tiết. Các nang này là hậu quả của sự tắc nghẽn hoặc dãn ống tuyến. Đau vú là do phù mô đỡ, dãn ống và phản ứng viêm.
Giãn ống: Giãn ống được đặc trưng bởi tình trạng căng giãn của các ống dưới quầng vú và sự có mặt trong ống một chất màu vàng da cam có cấu trúc tinh thể hình oval hoặc hình tròn.
Papilôm đơn độc: Các papilôm đơn độc chứa một loạt tế bào nhú đồng nhất phát triển từ thành nang vào phía trong lòng nang. Trong một nghiên cứu, 21 trong số 24 phụ nữ có papilôm đơn độc có kèm theo tiết dịch đầu vú, dịch thường ở dạng máu hoặc huyết thanh máu.
U xơ tuyến vú đơn thuần: Là các khối u đặc lành tính có chứa mô xơ và mô tuyến. Chúng thường là các khối u di động có ranh giới rõ ràng nhưng thường xuất hiện nhiều khối.
Nguyên nhân còn chưa được xác định, có thể có liên quan đến nội tiết vì các khối u này thường tồn tại dai dẳng ở độ tuổi sinh đẻ, có thể to lên ở thời kỳ mang thai hoặc khi dùng estrogen và thoái triển sau khi mãn kinh.
Huyết khối tĩnh mạch nông: Không phổ biến, nó có thể tự phát nhưng thường liên quan đến chấn thương hoặc có thai.
Viêm hay áp xe tuyến vú: Bệnh thường gặp nhất ở những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú và thường do tụ cầu vàng hoặc liên cầu gây ra.
Nang sữa: Là nang chứa sữa thường thấy sau khi ngừng cho con bú.
Hoại tử mỡ: thường là khối u rắn và đau, có thể có canxi hóa trên phim chụp vú. Hoại tử mỡ do chấn thương gây ra.
Ngoài ra, bệnh hamartom là u biểu mô và mô đệm; u tuyến ống là khối u từ mô ống, cũng là bệnh tuyến vú không phải ung thư.
Các tổn thương làm tăng nguy cơ ung thư vú
Tăng sản ống: Là tổn thương phổ biến nhất kèm theo tăng nguy cơ ung thư vú. Khi có kết quả chẩn đoán tăng sản ống, chị em cần theo dõi thường xuyên bởi các tế bào biểu mô lót màng đáy của ống tuyến tăng lên đa phần lành tính nhưng có thể chuyển dạng ác tính.
Bệnh hạch xơ cứng: Mô tiểu thùy cũng có thể có thay đổi tăng sản với tăng mô xơ và các tế bào tuyến nằm xen kẽ rải rác.
U xơ phức hợp tuyến vú: U xơ phức hợp tuyến là các khối u có chứa các nang với đường kính trên 3mm, bệnh xơ cứng, canxi hóa biểu mô hoặc các thay đổi chế tiết mô vú. Chúng có liên quan tới sự tăng nguy cơ phát triển ung thư khi các thay đổi tăng sinh nhiều ổ xuất hiện ở mô tuyến xung quanh.
Tăng sản không điển hình: Là một tổn thương đặc hiệu của các thành phần ống tuyến hoặc tiểu thùy có các tế bào đồng dạng và mất định hướng tế bào đỉnh - đáy.
- Tham khảo thêm
Những phụ nữ có tăng sản không điển hình, nguy cơ bị ung thư vú tăng gấp 4 lần, còn khi có tiền sử gia đình nặng nề về ung thư vú thì nguy cơ đó tăng gấp 6 lần.
Sẹo tỏa tròn: Là những tổn thương lành tính có cơ chế sinh bệnh học không rõ ràng, và thường được phát hiện một cách tình cờ khi cắt bỏ khối u vú vì những lý do khác. Phụ nữ có sẹo tỏa tròn có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 2 lần so với những phụ nữ không có sẹo.
Có kinh nguyệt sớm, sinh con muộn đều tăng yếu tố nguy cơ
Trong các yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, yếu tố nổi bật nhất là tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú, đặc biệt trong gia đình có từ 2 người mắc ung thư vú trở lên ở lứa tuổi trẻ. Có kinh lần đầu tiên sớm, sinh con đầu lòng muộn và bệnh vú lành tính cũng là yếu tố tăng nguy cơ ung thư vú.
Các phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú bằng cách tự khám vú hằng tháng, khám thầy thuốc định kỳ sau tuổi 30 và đặc biệt là chụp X-quang tuyến vú có vai trò rất quan trọng trong giảm tỉ lệ tử vong do ung thư vú.
Theo báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu Globocan 2020, tại Việt Nam trong số ung thư ở nữ, số người mới mắc ung thư vú đứng hàng thứ nhất với 21.555 người, chiếm 25,8%, tính chung cả hai giới thì ung thư vú đứng hàng thứ ba (sau ung thư gan và ung thư phổi).
Tỉ lệ mới mắc chuẩn theo tuổi của ung thư vú ở nữ là 34,2/100.000 dân. Ở cả hai giới, số tử vong do ung thư vú đứng hàng thứ tư (với 9.345 trường hợp) sau ung thư gan, ung thư phổi và ung thư dạ dày.
Đau đầu hơn 1 năm, khám nhiều nơi không tìm ra nguyên nhân, nam bệnh nhân 58 tuổi nghĩ mình bị ung thư. Kết quả cuối cùng lại là ấu trùng sán lợn làm tổ trong não.
Xem thêm: mth.16031320142203202-uv-uht-gnu-oc-yugn-gnat-noum-gnol-uad-noc-hnis-mos-teyugn-hnik-oc/nv.ertiout