Theo Washington Post, Microsoft đang cố gắng vượt qua ranh giới giữa việc đưa các công cụ của mình ra thế giới thực bằng thử nghiệm miễn phí từ người dùng, và việc hạn chế những gì chatbot có thể làm và ai có quyền truy cập vào nó.
Chatbot tức giận?
Trước đó vào ngày 17-2, Microsoft đã giới hạn số lượng câu hỏi mà mọi người có thể hỏi chatbot Bing xuống còn 5 câu mỗi phiên trò chuyện và 50 câu mỗi ngày.
Động thái này diễn ra sau khi nhiều người dùng cho biết chatbot hành động kỳ lạ trong các cuộc hội thoại. Theo đó, trong một số trường hợp, chatbot đã trả lời các câu hỏi buộc tội bằng cách tự đưa ra lời buộc tội, đến mức trở nên thù địch và từ chối tương tác với người dùng.
Trong một cuộc trò chuyện với một phóng viên của báo Washington Post, chatbot cho biết nó có thể “cảm nhận và suy nghĩ”, đồng thời phản ứng một cách tức giận khi được thông báo rằng cuộc trò chuyện đã được ghi lại.
Tuy nhiên ngày 21-2, Microsoft đã tăng số câu hỏi cho Bing lên thành 6 câu hỏi mỗi phiên trò chuyện và 60 câu mỗi ngày.
Đồng thời, công ty cũng hứa hẹn sẽ sớm tăng thêm thời lượng trò chuyện với Bing sau khi "nhận được phản hồi từ nhiều người dùng rằng họ muốn quay lại các cuộc trò chuyện dài hơn", theo một bài đăng trên blog của công ty.
Chatbot trả lời gần như con người
Microsoft ra mắt Bing vào ngày 7-2. Sự kiện được mô tả là một bản cập nhật sản phẩm lớn, sẽ cách mạng hóa cách mọi người tìm kiếm trực tuyến. Nhưng kể từ đó, công ty đã định hình việc phát hành Bing thiên về kiểm tra và tìm lỗi.
Hãng cũng nhanh chóng triển khai nó cho những người đã tham gia danh sách chờ của mình. Vào ngày 22-2, hãng cho biết chatbot sẽ có sẵn trên các ứng dụng di động Bing và trình duyệt web Edge bên cạnh công cụ tìm kiếm trên máy tính để bàn.
Theo thông tin từ Microsoft, tính đến ngày 22-2, hơn 1 triệu người ở 169 quốc gia đã có quyền truy cập chatbot Bing.
Cũng như các chatbot khác, Bing được cài đặt để xử lý hàng loạt văn bản thô được thu thập từ Internet, bao gồm mọi thứ từ nhận xét trên mạng xã hội đến các bài báo học thuật.
Dựa trên tất cả thông tin đó, chatbot có thể dự đoán loại phản ứng nào sẽ có ý nghĩa nhất đối với hầu hết mọi câu hỏi, từ đó đưa ra câu trả lời giống con người nhất.
Các nhà nghiên cứu đạo đức AI cảnh báo rằng những thuật toán mạnh mẽ này sẽ hoạt động theo cách mà nó được đào tạo.
Với nền tảng dữ liệu thô được lấy từ chính cuộc sống mà thiếu sự trau chuốt dạy dỗ một cách khoa học, chatbot sẽ ứng xử với người dùng như chính những gì nó bị nhiễm từ cuộc sống. Điều này sẽ gây khó cho chính "công ty cha mẹ" đã sản sinh ra nó.
Nhà vật lý thiên văn người Mỹ Grant Tremblay đã chỉ ra lỗi kiến thức thiên văn của Bard - công cụ chatbot mới của Google, cạnh tranh với ChatGPT.
Xem thêm: mth.53273507132203202-gnib-tobtahc-taos-meik-ceiv-gnort-iab-taht-tfosorcim/nv.ertiout