Sáng 24-2, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia về chính sách thu hút, đầu tư, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ trong bối cảnh mới.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: THANH TUYỀN |
Chính sách chưa thu hút được đội ngũ
Phát biểu định hướng tại hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn, đánh giá dù đã thực hiện nhiều chính sách để thu hút đội ngũ trí thức nhưng thực tế cho thấy các chính sách chưa phát huy tối đa năng lực của đội ngũ này.
Việc đầu tư còn dài trải, chưa tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, chưa then chốt. Chính sách huy động các nguồn lực để đầu tư, thu hút đội ngũ trí thức chưa sát với tình hình thực tiễn; chưa tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tạo, phù hợp với đặc thù lao động của đội ngũ trí thức; chưa tạo được diễn đàn để thu hút đội ngũ trí thức tham gia cùng.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn nêu các bất cập trong chính sách thu hút đội ngũ trí thức. Ảnh: THANH TUYỀN |
Dưới góc độ người đứng đầu chính quyền của một địa phương năng động như TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi thừa nhận, dù hội đủ các điều kiện thuận lợi để thu hút đội ngũ trí thức nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của mình.
Theo ông, dù có chính sách đãi ngộ nhưng nhiều năm qua, TP chỉ thu hút khoảng 20 chuyên gia, trí thức. TP cũng chưa tiếp cận và động viên được đội ngũ trí thức ở một số lĩnh vực như văn học - nghệ thuật, chuyên gia ngoài TP hay nước ngoài đến, dù lực lượng này có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của TP.
Sắp tới, chính quyền TP.HCM hướng đến việc tập hợp đội ngũ trí thức trong và ngoài TP thông qua các chương trình, đề án của TP. TP cũng sẽ thông qua cơ chế đặt hàng khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khác, có cơ chế để người ở nước ngoài cũng có thể tham gia được với TP.
Đặc biệt, TP sẽ có cơ chế, chính sách động viên đội ngũ trí thức trong hệ thống chính trị bằng cơ chế đào tạo, thu nhập tăng thêm, nhà ở…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, TP vẫn chưa phát huy hết tiềm năng trong thu hút trí thức. Ảnh: THANH TUYỀN |
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị Trung ương tháo gỡ một số chính sách để địa phương triển khai thuận lợi hơn trong thời gian tới. Đơn cử như chính sách visa cho các chuyên gia nước ngoài, để họ tham gia sâu vào các nhiệm vụ của TP.
"Phải làm sao để việc tham gia của đội ngũ này được thường xuyên, thuận lợi hơn" - ông Mãi nhấn mạnh.
Chỉ hơn 10% sinh viên giỏi muốn làm cho cơ quan nhà nước
Trong khi đó, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, cho biết nhiều năm qua, khối ĐH Quốc gia đã tập trung vào việc đổi mới, phát triển chương trình đào tạo; chuẩn bị nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường lao động quốc tế; nâng cấp các trung tâm khởi nghiệp- đổi mới sáng tạo…
Dựa trên cơ sở nghiên cứu, ông Quân nêu những vấn đề bật lên trong chính sách này là số lượng cán bộ làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu còn thấp so với khu vực, nhất là cán bộ có trình độ tiến sĩ.
Theo thống kê của Bộ KH&CN, chỉ 15,6% cán bộ nghiên cứu trên toàn dân tham gia, số cán bộ có trình độ tiến sĩ còn rất thấp.
Tỉ lệ sinh viên nhập học khối ngành toán- khoa học công nghệ thấp, có xu hướng giảm, phân bố không đồng đều, có nguy cơ khủng hoảng thiếu- thừa.
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân nêu những vấn đề của khối ĐH Quốc gia trong thực hiện chính sách. Ảnh: THANH TUYỀN |
Còn theo thống kê của Bộ GD&ĐT, thí sinh nhập học ngành công nghệ thông tin liên tục tăng trong ba năm qua. Cụ thể, năm 2019, có hơn 46.000 sinh viên và đến năm 2022 là 56.000 sinh viên.
Trong khi các ngành khoa học tự nhiên, khoa học đời sống thì số sinh viên chỉ đạt hơn 50% chỉ tiêu. Cá biệt, có một số nhóm ngành khoa học không tuyển được thí sinh như ngành hải dương học, địa chất.
Tỉ lệ nhập học sau đại học khối ngành khoa học công nghệ có xu hướng giảm, nhất là bậc tiến sĩ. Theo thống kê, năm 2019 có 1.379 nghiên cứu sinh thì năm 2021 chỉ còn hơn 1.000 người. Tỉ lệ nhập học của thí sinh chuyên ngành toán- khoa học công nghệ chỉ chiếm 9,41% so với tổng chỉ tiêu.
Đầu tư cho giáo dục đại học so với các nước trong khu vực còn thấp. Theo thống kê, chi cho giáo dục đại học tính trên GDP chỉ đạt 0,25-0,27%. Trong khi các nước trong khu vực là 0,6%-1%. Đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo còn thấp.
Qua khảo sát 20.000 sinh viên (SV), phía ĐH Quốc gia TP.HCM thu được kết quả, 15,6% SV mong muốn được làm việc cho các khối cơ quan Trung ương ở Hà Nội. “Điều này đặt ra vấn đề liên quan đến chính sách tuyển dụng đối với sinh viên khu vực phía Nam ra công tác tại các bộ, ban ngành Hà Nội”- ông nói.
Cùng đó, tỉ lệ sinh viên giỏi muốn làm việc cho khối cơ quan nhà nước còn thấp; với 10,21% SV có học lực giỏi - khá giỏi; 5,79% SV có học lực khá muốn làm việc cho các cơ quan nhà nước.
Những con số trên cho thấy việc đào tạo cũng chưa gắn với chiến lược phát triển kinh tế- xã hội.
Chính sách thu hút cần sự cụ thể
GS.TS Võ Văn Tới, Trường ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng hiệu quả chính sách chưa được như ý muốn là do quá trình thực thi.
Theo ông, việc xây dựng chính sách cần xoáy vào trọng tâm là cần thu hút đối tượng nào, để làm gì và bằng cách nào. "Việc thu hút không phải chỉ nằm trong sự kêu gọi, hứa hẹn, trông chờ vào tinh thần yêu nước hay tự giác mà đòi hỏi những hành động cụ thể, có tổ chức và hệ thống" - GS.TS Tới nhấn mạnh.
GS.TS Võ Văn Tới, Trường ĐH Quốc Tế, ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần có cơ chế đơn giản, thông thoáng để thu hút trí thức. Ảnh: THANH TUYỀN |
Theo GS.TS Tới, hai yếu tố quan trọng để thu hút chất xám là môi trường làm việc và môi trường sống hấp dẫn, có những người đi thu hút chất xám phù hợp.
Để thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, GS.TS Tới nói rất cần sự lãnh đạo quyết tâm, thực tế. Trong cơ chế và sự lãnh đạo đó, không đưa ra những yêu cầu quá đáng mà phải đơn giản, thông thoáng, mềm dẻo nhất; tránh nghị định, quy định phức tạp, chồng chéo, thay đổi thường xuyên.
“Những quy định cứng nhắc, những cơ chế thanh tra vô lý, những yêu cầu giải trình phi lý sẽ làm cho người cộng tác rụt rè, mệt mỏi, chán nản” - ông nói và cho rằng người cán bộ quản lý phải có tâm, có tài, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết, tạo động lực cho người công tác làm việc.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính cần đơn giản để người trí thức chỉ cần tập trung vào chuyên môn. Kế đến, ngân sách phải ổn định, tránh cảnh “đầu voi đuôi chuột”.
GS.TS Tới đề xuất có thể thành lập “ốc đảo” để thử nghiệm với cơ chế linh hoạt cởi mở, tránh những quy định, tránh giải trình phức tạp.
“Người cộng tác được toàn quyền làm những gì không xâm phạm đến lợi ích quốc gia, làm những gì pháp luật không cấm thay vì chỉ làm những gì quy định cho phép. Bởi nếu làm theo quy định phần nào cũng là rào cản của sự đổi mới sáng tạo. Với cơ chế như thế, người trở về sẽ thấy phục vụ tổ quốc mình tại chỗ vẫn hơn là phục vụ từ xa”- ông cho hay.
Cùng đó, cần tạo thế “chân vạc” giữa giáo dục- đào tạo, nghiên cứu khoa học và đưa sản phẩm hàn lâm ra thị trường và đưa nhu cầu trong xã hội vào đại học để tìm giải pháp thích đáng.