Như Thanh Niên đưa tin, thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu Giám đốc Công an TP.Hải Phòng, đã bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, "ông trùm" Trương Xuân Đước đã đưa cho ông Ca hàng chục tỉ đồng nhằm "chạy án". Tuy nhiên, ông Ca không đưa tiền cho ai mà giữ lại.
Sau khi có đủ bằng chứng, Công an tỉnh Quảng Ninh thi hành lệnh giữ người, khám xét nơi ở của ông Ca, thu nhiều bằng chứng quan trọng. Cựu Giám đốc Công an TP.Hải Phòng cũng đã nộp lại hàng chục tỉ đồng tiền "chạy án".
Bên cạnh hành vi có dấu hiệu phạm tội của ông Ca và những người liên quan, một vấn đề khác cũng được nhiều người quan tâm: số tiền hàng chục tỉ đồng mà cựu Giám đốc Công an TP.Hải Phòng đã nộp lại sẽ được xử lý như thế nào?
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, theo thông tin ban đầu thì ông Ca bị cáo buộc nhận hàng chục tỉ đồng để hứa "chạy án" nhưng lại không thực hiện. Hành vi này có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 174 bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Khoản 4 điều luật này quy định: người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Ông Ca đã nộp lại số tiền hàng chục tỉ đồng. Đây được coi là vật chứng của vụ án và bị tạm giữ cho đến khi tòa án tuyên bản án có hiệu lực pháp luật. Bản án sẽ có nội dung liên quan đến số tiền nêu trên.
Trong trường hợp xác định chỉ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tòa tuyên trả lại tiền cho người bị ông Ca chiếm đoạt, họ sẽ nhận lại tiền thông qua cơ quan thi hành án.
Tuy nhiên, trường hợp xác định ông Ca nhận tiền với mục đích đúng là "chạy án" giúp, cơ quan tố tụng có thể xem xét xử lý những người liên quan về hành vi đưa hối lộ hoặc môi giới hối lộ. Khi ấy, số tiền hàng chục tỉ đồng sẽ trở thành công cụ, phương tiện để phạm tội.
Theo khoản 2 điều 106 bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2021) quy định về xử lý vật chứng, số tiền này sẽ bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước.
"Các tình huống trên đều dựa vào thông tin ban đầu để nhận định, kết quả xử lý ra sao vẫn cần chờ kết luận chính thức từ phía cơ quan tố tụng", luật sư Tâm cho hay.