Theo trang UN News, nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc yêu cầu Nga "rút tất cả lực lượng quân sự của họ ra khỏi lãnh thổ Ukraine ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện, đồng thời kêu gọi chấm dứt chiến sự".
Nghị quyết này - không mang tính ràng buộc - được thông qua với số quốc gia ủng hộ áp đảo, gồm 141 phiếu thuận, 7 phiếu chống (Nga, Belarus, Triều Tiên, Mali, Nicaragua, Syria và Eritrea) và 32 nước (trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ) bỏ phiếu trắng.
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tái khẳng định cam kết của họ đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine bên trong khu vực biên giới được quốc tế công nhận.
Cũng thông qua nghị quyết, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kêu gọi các quốc gia thành viên hợp tác trên tinh thần đoàn kết để giải quyết các tác động toàn cầu của cuộc chiến này đối với an ninh lương thực, năng lượng, tài chính, môi trường, an toàn và an ninh hạt nhân.
Trong khi đó, Hãng tin Tass (Nga) gọi đây là một "nghị quyết chống Nga". Theo Tass, nghị quyết không có nội dung kêu gọi đàm phán hay ngừng bắn, mà chỉ yêu cầu Nga rút quân khỏi lãnh thổ Ukraine, đồng thời "đổ mọi tội lỗi" cho Nga về việc bắt đầu cuộc chiến.
Theo Hãng tin AP (Mỹ), bảy quốc gia bỏ phiếu phản đối nghị quyết đều là những nước có quan hệ quân sự thân thiết với Nga. Phía Belarus cũng đã đề xuất chỉnh sửa một số nội dung gây bất lợi cho Nga trong nghị quyết trước khi thông qua, nhưng thất bại.
"Cần ủng hộ các nội dung điều chỉnh mang tính cân bằng mà Belarus đã gửi lên. Nếu các điều chỉnh này không được thông qua và dự thảo nghị quyết vẫn phiến diện cũng như xa rời thực tế, chúng tôi khuyến khích mọi người bỏ phiếu chống lại dự thảo nghị quyết này" - đại diện thường trực Nga tại Liên Hiệp Quốc Vasily Nebenzya phát biểu trước cuộc bỏ phiếu.
Ông Vasily Nebenzya cũng nói nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ không góp phần mang đến "một giải pháp hòa bình cho những mâu thuẫn giữa Nga và phương Tây vốn đã leo thang một năm trước".
Trước đó, hôm 22-2, ông Nebenzya cho rằng không phải Ukraine, mà là cả một tập thể phương Tây đang chiến đấu với Nga.
"Đối với Nga, chúng tôi coi các sự kiện ở Ukraine là cuộc chiến với cả phương Tây vì sự sống còn, tương lai, con cái, và bản sắc của chúng tôi" - ông nói.
Tròn một năm xung đột Nga - Ukraine, con đường đến hòa bình vẫn đầy chông gai. Khói lửa vẫn bủa vây khắp Ukraine, khắp nơi là cảnh hoang tàn và đổ nát, hàng chục ngàn người thương vong, hàng triệu dân lành phải rời khỏi đất nước.