Mona Fandey là nghệ danh của Maznah Ismail, sinh năm 1966, ca sĩ nhạc pop kiêm vũ công ballet được chú ý ở Malaysia vào cuối những năm 1980. Mona từng phát hành album nhạc mang tên Diana, có bản hit Ku Nyanikan lagu ini, và xuất hiện trên một số chương trình truyền hình.
Khi sự nghiệp bị đình trệ, Mona chuyển hướng, làm nghề thầy phù thủy với người chồng thứ ba, Mohd Affandi Abdul Rahman. Hai vợ chồng được người dân gọi là "bomoh", pháp sư địa phương.
Niềm tin vào sức mạnh của phù thủy không phải là hiếm với những người Mã Lai mê tín. Vì vậy, vợ chồng Mona cùng một trợ lý tên Juraimi Hussin thu hút được một nhóm khách hàng cao cấp, bao gồm cả các chính trị gia.
Ngày 2/7/1993, Mazlan Idris, ủy viên hội đồng lập pháp của khu vực bầu cử Batu Talam, bang Pahang, tìm đến vợ chồng Mona. Anh ta muốn nhờ cậy sức mạnh siêu nhiên từ phép thuật phù thủy để giúp thúc đẩy sự nghiệp chính trị và thăng tiến trong đảng phái.
Cặp vợ chồng thuyết phục Mazlan tham gia một nghi lễ thần bí sẽ giúp anh ta trở nên "bất khả chiến bại" và "quét sạch tà ma".
Mona hứa giúp Mazlan bằng cách đưa một "cây gậy thần", bùa hộ mệnh và một chiếc mũ truyền thống được cho là của cựu tổng thống Indonesia Sukarno. Cô ta nói từng tặng bùa hộ mệnh cho một số chính trị gia khác để tăng sự nổi tiếng của họ với cử tri. Đổi lại, Mona đòi 2,5 triệu RM (khoảng 657.895 USD). Mazlan đã trả 500.000 RM tiền đặt cọc và hứa trao 10 sổ đỏ để thế chấp cho hai triệu RM còn lại.
Đôi bên hẹn nhau thực hiện nghi lễ tại nhà Mona. Mazlan được yêu cầu nằm ngửa trên sàn trong khi Mona đặt hoa lên người anh ta. Sau đó, Mona bảo Mazlan nhắm mắt và đợi tiền "từ trên trời rơi xuống". Nhưng không có đồng tiền nào, thay vào đó là lưỡi rìu. Mazlan bị Juraimi chặt đầu, phi tang xác.
Sự biến mất của Mazlan ban đầu được gia đình và bạn bè cho là "mất liên lạc". Trong nhiều tuần, truyền thông liên tục suy đoán về tung tích của chính trị gia.
Sau khi gia đình trình báo, cảnh sát điều tra ra Mazlan đã rút 300.000 RM (khoảng 116.000 USD) từ nhiều ngân hàng ngay trước khi được thông báo mất tích. Mối liên hệ giữa Mazlan và Mona cũng bị phát hiện. Cảnh sát bắt đầu nghi ngờ Mona khi phát hiện cô ta đi mua sắm thả ga sau khi Mazlan mất tích, trong đó có mua một chiếc Mercedes-Benz và đi phẫu thuật thẩm mỹ.
Khi bị thẩm vấn, Juraimi khai nhận, chỉ nơi giấu thi thể. Đến ngày 22/7/1993, cảnh sát tìm thấy thi thể Mazlan bị chặt thành 18 phần, chôn sâu 1,8 m bên dưới một ngôi nhà đang xây dở trên khu đất thuộc sở hữu của Mazlan ở Pahang, được đậy bằng nắp bê tông.
Cảnh sát cũng phát hiện một bàn thờ, tượng các vị thần, dao, rìu tại hiện trường. Một khẩu súng lục ổ quay thuộc về Mazlan được chôn trong khu vực.
Hai ngày sau khi thi thể được tìm thấy, vợ chồng Mona bị bắt.
Mona, Affandi và Juraimi bị buộc tội giết người. Trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 3/8/1993, họ không nhận tội trước tất cả cáo buộc.
Mona và đồng phạm được đưa ra tòa án cấp cao. Đây là một trong những phiên tòa được biết đến rộng rãi nhất trong lịch sử Malaysia.
Trong phiên tòa kéo dài 65 ngày, từ tháng 8/1993 đến tháng 2/1995, bên công tố đưa ra 76 nhân chứng và 295 tang vật. Công tố viên cho rằng động cơ giết người là tiền và trả thù vì Mazlan không thực hiện thỏa thuận giao quyền sở hữu đất.
Juraimi làm chứng chống lại Mona và Affandi, tiết lộ những chi tiết khủng khiếp của vụ giết người, khiến vụ án trở thành một trong những tội ác kinh hoàng nhất thập kỷ ở Malaysia.
Khi tòa xét xử, truyền thông sôi sục vì quá khứ ca sĩ của Mona và chi tiết tội ác ghê rợn, liên quan đến tà thuật. Vụ việc còn thu hút sự chú ý hơn khi Mona xuất hiện giữa dàn cảnh sát với nụ cười rạng rỡ, vẫy tay như thể đang đến một buổi ra mắt phim. Cô ta ăn mặc lộng lẫy với những thiết kế rực rỡ.
Trong suốt phiên tòa, Mona thể hiện những hành vi kỳ lạ như tỏ ra vui vẻ, liên tục mỉm cười và tạo dáng trước ống kính. Cô ta nhận xét: "Dường như tôi có nhiều người hâm mộ" và tận hưởng sự chú ý.
Mona còn cố hát cho thẩm phán nghe, yêu cầu quản giáo đưa cho báo mới để theo dõi tin tức. "Cảm ơn bạn đã cho vào những câu chuyện và hình ảnh đẹp như vậy", cô ta nói với báo chí.
Ngày 9/2/1995, bồi thẩm đoàn 7 phúc chỉ mất 70 phút để đưa ra phán quyết nhất trí kết tội ba người và tuyên án tử hình. Vụ án của Mona là phiên tòa xét xử có bồi thẩm đoàn cuối cùng của Malaysia.
Sau khi nghe bản án, Mona nói lời cuối trước tòa: "Tôi rất vui và cảm ơn tất cả người dân Malaysia", sau đó tươi cười lên xe áp giải về nhà tù.
Ngày 13/4/1999, kháng cáo đều của cả ba bị bác và bản án tử hình được giữ nguyên. Tháng 4/2001, hội đồng ân xá từ chối lời cầu xin khoan hồng của bộ ba. Bản án được thi hành vào rạng sáng 2/11/2001.
Trước khi bị treo cổ, Mona tỏ vẻ bình tĩnh, mỉm cười và nói: "Tôi sẽ không bao giờ chết".
Năm 2002, đạo diễn người Malaysia Amir Muhammad thực hiện bộ phim Mona trong loạt phim ngắn. Năm 2018, bộ phim kinh dị Dukun của đạo diễn Dain Iskandar Said được phát hành sau nhiều lo ngại vì nội dung lấy cảm hứng từ Mona Fandey.
Vụ án này còn được đề cập trong cuốn sách bán chạy Malaysian Murders & Mysteries của nhà báo Martin Vengadesan và Andrew Sagayam.
Tuệ Anh (Theo Crime Wire, New Straits Times)
Xem thêm: lmth.9914754-nahn-tas-yuht-uhp-aoh-is-ac-un-na-yk/ten.sserpxenv