Theo thông tin từ Công an tỉnh Vĩnh Phúc, các đối tượng bị bắt gồm: Hoàng Trọng Hiếu - Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới số 88-03D; Trần Văn Thái - nhân viên Trung tâm đăng kiểm 88-03D; Nguyễn Văn Khánh- Giám đốc Công ty Tâm Phúc, phường Đông Tâm, TP Vĩnh Yên.
Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 88-03D được Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và đi vào hoạt động từ tháng 3/2019. Trung tâm này có 2 dây truyền kiểm định xe cơ giới, trong đó Hoàng Trọng Hiếu phụ trách một dây truyền.
Quá trình nghiệm thu, cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo, một số lãnh đạo, nhân viên trung tâm đăng kiểm này bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái quy định, quy trình đăng kiểm để nhận hối lộ của nhiều người với số tiền rất lớn.
Bước đầu xác định, trong năm 2021, 2022, Hoàng Trọng Hiếu và Trần Văn Thái được giao nhiệm vụ kiểm tra, nghiệm thu cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới cải tạo (thành, thùng, công năng sử dụng...).
Trong đó, Hiếu được giao nhiệm vụ trực tiếp kiểm tra, nghiệm thu xe cơ giới cải tạo và ký cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; Thái được giao nhiệm vụ chụp ảnh các xe đến kiểm định, bao gồm cả xe cơ giới cải tạo, dán tem kiểm định.
Khi chủ phương tiện, lái xe, người môi giới liên hệ với Hiếu hoặc Thái để làm hồ sơ cải tạo, đối với trường hợp xe cơ giới đã được thi công cải tạo từ trước thì Hiếu và Thái yêu cầu chủ phương tiện phải đưa tiền để làm hợp thức hồ sơ.
Tùy vào từng loại xe, Hiếu và Thái thu từ 9-11 triệu đồng/xe, sau đó Hiếu và Thái móc ngoặc, thông đồng với đơn vị thiết kế để hợp thức hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và phát hành Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trái quy định.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, Hoàng Trọng Hiếu đã nhận hơn 100 triệu đồng của 8 chủ phương tiện với 11 xe ô tô, sau đó thông đồng với Lê Đức Thiện - Giám đốc Công ty Đức Thịnh và Công ty An Phát (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để hợp thức hồ sơ.
Trong số tiền thu được, Hiếu nộp lệ phí nghiệm thu cải tạo, lệ phí đăng kiểm theo quy định, nộp vào quỹ của Tổ nghiệm thu cải tạo Trung tâm một phần, chia cho Thiện 5 triệu đồng/xe; số tiền còn lại khoảng từ 1 - 3 triệu đồng thì Hiếu hưởng lợi.
Đối với số tiền 5 triệu đồng/xe nhận từ Hiếu, Thiện đã chi phí thẩm định thiết kế theo quy định; chi cho cán bộ thẩm định thuộc Cục đăng kiểm Việt Nam 2,5 triệu đồng; số tiền còn lại hơn 2 triệu đồng/xe Thiện được hưởng lợi.
Đáng chú ý, Lê Đức Thiện đang bị Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Phú Thọ bắt tạm giam về hành vi nêu trên và khởi tố về tội nhận hối lộ.
Riêng với Trần Văn Thái, năm 2018, đối tượng này thành lập Công ty Tâm Phúc, ở phường Đông Tâm, thành phố Vĩnh Yên và đứng tên làm giám đốc. Đến tháng 7/2019, Thái chuyển Công ty Tâm Phúc sang cho Nguyễn Văn Khánh làm giám đốc nhưng mọi hoạt động của Công ty vẫn do Thái điều hành.
Trong năm 2021, 2022, Thái đã nhận hơn 137 triệu đồng của 6 chủ phương tiện với 15 xe ô tô (mỗi xe từ 9 - 11 triệu đồng), sau đó cùng với Khánh hợp thức hồ sơ cải tạo xe cơ giới. Trong số tiền thu được của chủ phương tiện, Thái chia cho Khánh hơn 3,2 triệu đồng/xe, nộp lệ phí nghiệm thu cải tạo theo quy định, nộp vào quỹ của Tổ nghiệm thu cải tạo trung tâm 1 triệu đồng/xe. Số tiền còn lại khoảng từ 1 - 3 triệu đồng Thái hưởng lợi.
Đối với số tiền thu được 3,2 triệu đồng /xe, Khánh chi tiền phí thẩm định thiết kế theo quy định; chi một phần cho cán bộ thẩm định thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam; số tiền còn lại 400.000 đồng/xe Khánh hưởng lợi.
Cơ quan công an cho rằng, hành vi của Hoàng Trọng Hiếu, Trần Văn Thái đã cấu thành tội "Nhận hối lộ", quy định tại Khoản 2, Điều 354, Bộ luật hình sự.
Hành vi của Lê Đức Thiện và Nguyễn Văn Khánh cấu thành tội "Nhận hối lộ", quy định tại khoản 1, Điều 354, Bộ luật hình sự.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Phúc đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.