Năm sóng gió của thị trường năng lượng toàn cầu
Vừa phục hồi từ sự suy yếu về nhu cầu do đại dịch gây ra, ngành năng lượng toàn cầu lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguồn cung chưa từng có trong năm 2022 sau khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, định hình lại bản đồ năng lượng toàn cầu.
Sau khi Nga, một trong những nước sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới, triển khai "hoạt động quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào mùa xuân năm ngoái, các nước phương Tây đã liên tiếp giáng đòn trừng phạt lên Moscow, trong đó có mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga - dầu khí.
Để đáp trả, Moscow cũng tung ra các biện pháp như cắt giảm nguồn cung đối với "các quốc gia không thân thiện" và chuyển hướng xuất khẩu dầu và khí đốt sang các quốc gia châu Á với mức giá chiết khấu sâu.
Thị trường dầu khí toàn cầu đã quay cuồng trong các đòn "ăn miếng trả miếng" giữa Nga và phương Tây, khiến giá cả vọt cao kỷ lục, châu Âu rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng, phải cạnh tranh nhau để tìm nguồn thay thế cho dầu và khí đốt Nga.
Nỗi lo cầu chuyển sang cung
Trước khi chiến sự nổ ra, thị trường dầu mỏ phải đối mặt với nỗi lo nhu cầu suy yếu do chính sách zero-Covid của Trung Quốc và sự suy thoái toàn cầu khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đua nhau tăng lãi suất. Các thị trường cũng đối mặt với những hạn chế về nguồn cung chưa từng có, đặc biệt sau khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra vào ngày 24/2 và việc OPEC+ cắt giảm sản lượng.
Bước vào đầu năm 2022, 23 quốc gia thành viên của OPEC+ đã quyết định tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 2. Tuy nhiên, một số nước thành viên không đạt được mục tiêu sản lượng dẫn đến hạn ngạch chung bị thiếu hụt.
Điều này đã vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần yêu cầu các nhà sản xuất bơm thêm dầu ra thị trường để hạ nhiệt giá dầu. Song OPEC+ đã từ chối điều này nhằm duy trì giá dầu neo ở mức cao. Vì vậy, ngày 13/1, Bộ Năng lượng Mỹ đã công bố xả 18 triệu thùng dầu, một phần trong sáng kiến giải phóng 50 triệu thùng dầu từ Kho Dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của Mỹ.
Tuy nhiên, động thái này vẫn không hạ nhiệt được giá dầu. Nỗi lo nguồn cung đã đẩy giá dầu Brent lên mức 90,5 USD/thùng ngay cả khi OPEC+ quyết định gia hạn kế hoạch tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho hết tháng 3 trong cuộc họp ngày 2/2. Tiếp đó, giá dầu Brent lại vọt lên 95 USD/thùng vào ngày 12/2 khi những dấu hiệu đầu tiên về căng thẳng giữa Nga và Ukraine xuất hiện.
Quay cuồng với những đòn "ăn miếng trả miếng"
Đến ngày 24/2, sau khi Nga phát động cuộc chiến toàn diện với Ukraine, giá dầu Brent đã vọt mức 100 USD/thùng.
Ngay sau cuộc xung đột, một loạt lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu dội xuống Nga. Các "ông lớn" dầu khí của phương Tây như BP, Shell của Anh, TotalEnergies của Pháp, Eni của Italy đã bắt đầu tuyên bố rút vốn khỏi các khoản đầu tư ở Nga cũng như ngừng mua dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của nước này.
Mỹ cũng tuyên bố cấm nhập khẩu tất cả dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và năng lượng từ Nga, trong khi Anh cho biết sẽ "loại bỏ dần" việc nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm dầu của Nga vào cuối năm.
EU, khách hàng lớn nhất của dầu và khí đốt Nga, đầu tháng 3/2022 cũng rục rịch lên kế hoạch giảm phụ thuộc vào dầu và khí đốt Nga. Ngày 25/3, Đức tuyên bố sẽ giảm dần sự phụ thuộc vào năng lượng Nga bằng cách giảm một nửa lượng nhập khẩu than từ Nga và bắt đầu cắt giảm nhập khẩu dầu Nga từ tháng 6/2022. Nối tiếp Đức, ngày 30/3, Ba Lan cũng công bố kế hoạch ngừng nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm 2022.
Đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu "các quốc gia không thân thiện" chuyển sang thanh toán bằng đồng rúp khi mua năng lượng của Nga. Một số quốc gia không chấp nhận yêu cầu thanh toán này đã bị Nga ngừng cung cấp từ cuối tháng 4.
Trong bối cảnh đó, giá dầu Brent lại tiếp tục tăng vọt, đỉnh điểm có lúc lên 139 USD/thùng vào ngày 7/3, mức cao nhất kể từ giữa năm 2008.
Dưới sức ép phải hạ nhiệt giá dầu, ngày 31/3, OPEC+ đồng ý tuân thủ mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày cho đến tháng 5. Ngay sau đó, ngày 1/4, Tổng thống Biden cũng tuyên bố giải phóng hơn 180 triệu thùng dầu từ kho dự trữ chiến lược trong 6 tháng để hạ nhiệt giá xăng dầu bán lẻ ở Mỹ đang tăng cao kỷ lục, vượt 5 USD/gallon. Những động thái này đã khiến dầu Brent mất 13% từ mức 119,9 USD/thùng xuống còn 103,41 USD/thùng chỉ trong một ngày.
Ngày 6/4, giá dầu thế giới tiếp tục xuống mức 100,54 USD/thùng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) thông báo 31 quốc gia thành viên đã đồng ý "xả kho" 120 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược, trong đó có 60 triệu thùng từ Mỹ.
Ngày 31/5, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận cắt giảm đến 90% lượng dầu nhập khẩu của Nga. Đến ngày 2/6, EU phê duyệt gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, trong đó bao gồm cấm vận một phần dầu Nga và loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Ngày 1/7, các bộ trưởng tài chính các nước G7 đã đồng ý áp giá trần đối với dầu thô của Nga, đồng thời EU cũng nhất trí cấm nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga bằng đường biển.
Ngày 10/8, quyết định cấm nhập khẩu than từ Nga của EU bắt đầu có hiệu lực.
Ngày 31/8, gã khổng lồ dầu khí Nga Gazprom tuyên bố tạm dừng vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 trong 3 ngày với lý do bảo trì. Tuy nhiên, đến ngày 3/9, Gazprom bất ngờ cho biết sẽ đóng cửa vô thời hạn đường ống Nord Stream 1 do sự cố kỹ thuật. Moscow cũng cho biết sẽ đình chỉ việc cung cấp dầu và các sản phẩm dầu mỏ cho các quốc gia đồng ý áp trần giá đối với dầu Nga.
Ngày 5/9, OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10 nhằm hỗ trợ giá dầu đang giảm mạnh. Đáp lại, ngày 20/9, Mỹ công bố bán 10 triệu thùng dầu từ kho SPR để giúp người Mỹ giảm chi phí năng lượng.
Ngày 26/9, giá dầu Brent tiếp tục giảm xuống mức 84,07 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 14/1 khi một số quốc gia lựa chọn tăng lãi suất để chế ngự lạm phát gia tăng trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế, gây lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu.
Ngày 29/9, EU đề xuất gói trừng phạt mới đối với Nga, bao gồm ủng hộ cơ chế áp trần giá đối với dầu Nga mà các nước G7 đã nhất trí trước đó.
Ngày 5/10, OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày so với mức sản xuất yêu cầu của tháng 8/2022, bắt đầu từ tháng 11. Ngày 4/12, OPEC+ lại phê chuẩn quyết định cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày. Động thái này diễn ra chỉ một ngày trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga của EU có hiệu lực vào ngày 5/12. Theo đó, EU cấm nhập khẩu dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga và thống nhất áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu Nga như đề xuất của G7 và Australia.
Phản ứng với việc áp giá trần đối với dầu Nga, Moscow đã cảnh báo các nước phương Tây về những hậu quả mà cơ chế này sẽ gây ra đối với năng lượng toàn cầu, đồng thời tuyên bố rằng họ sẽ không công nhận bất kỳ mức giá trần nào.
Tuy nhiên, ngày 6/12, giá dầu Brent vẫn tiếp tục giảm xuống dưới 80 USD/thùng, mức thấp nhất trong 11 tháng, do dự báo nhu cầu suy yếu khi Mỹ mạnh tay thắt chặt tiền tệ khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Trong khi đó, kể từ khi chiến sự nổ ra, Nga đã xoay trục về hướng đông, tăng cường xuất khẩu dầu sang châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ với mức chiết khấu sâu. Thậm chí, có thời điểm dầu Nga giao dịch trên thị trường thấp hơn đến 34 USD/thùng so với dầu Brent, thấp hơn cả giá trần mà G7 áp dụng. Đây cũng là một lý do giúp nền kinh tế trụ vững trước 11.000 đòn trừng phạt, hạn chế hụt thu từ dầu khí.
Châu Âu "cai nghiện" khí đốt Nga
Cuộc xung đột Nga - Ukraine không chỉ khiến thị trường dầu mỏ dậy sóng mà còn khiến giá khí đốt tăng cao kỷ lục ở châu Âu, khiến châu lục này lao đao trong cơn khủng hoảng năng lượng.
Trước khi chiến sự nổ ra, châu Âu phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung khí đốt Nga. Khí đốt từ Nga chiếm 83% lượng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của châu lục này. Nhưng kể từ khi cuộc chiến xảy ra, châu Âu đã quyết tâm "cai" khí đốt Nga khiến thị phần nhập khẩu khí đốt từ Nga vào lục địa này giảm đi đáng kể. Tính đến tháng 11/2022, nhập khẩu khí đốt từ Nga vào châu Âu chỉ còn chiếm 12,9%.
Ngày 8/3, EU đã nhất trí cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong vòng 1 năm. EU cũng tăng cường sử dụng các nhiên liệu thay thế, đẩy nhanh đầu tư tái tạo và tìm kiếm các nguồn thay thế ngoài Nga, lấp đầy các kho dự trữ trước khi mùa đông đến.
Để thực hiện điều này, ngày 16/3, Đức đã ngừng mua khí đốt từ các công ty châu Âu mà Gazprom sở hữu. Litva cũng ngừng mua hoàn toàn khí đốt tự nhiên của Nga kể từ tháng 4.
Ở chiều ngược lại, từ cuối tháng 4, Nga cũng ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do các nước này từ chối thanh toán mua khí đốt bằng đồng rúp theo yêu cầu của Nga. Tương tự, vào cuối tháng 5, Nga đã "khóa van" hoàn toàn khí đốt đến Phần Lan và Hà Lan. Ngày 30/7, Gazprom cũng thông báo dừng các chuyến hàng khí đốt đến Latvia.
Đỉnh điểm là ngày 3/9, Nga bất ngờ thông báo dừng vô thời hạn nguồn cung khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 với lý do gặp sự cố kỹ thuật. Động thái của Nga diễn ra ngay khi châu Âu đang chật vật tìm cách bơm đầy các kho dự trữ khí đốt trước khi mùa đông đến.
Để cai khí đốt Nga, Liên minh châu Âu sẵn sàng chấp nhận giá đắt, chi ra hàng tỷ euro để nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ đồng thời tăng cường mua khí đốt thông qua đường ống từ các nhà cung cấp bên ngoài Nga. Hiện dự trữ khí đốt của châu Âu đang ở mức cao, hầu hết đều vượt 80%, thậm chí có nơi 100%.
LNG của Mỹ đóng vai trò trong việc đáp ứng nhu cầu khí đốt của châu Âu trong bối cảnh các chính phủ phải tranh giành các chuyến hàng khí đốt giá cao với châu Á. Trong 11 tháng đầu năm 2022, nhập khẩu LNG từ Mỹ vào châu Âu đã lên hơn 50 tỷ m3, gấp đôi tổng lượng nhập khẩu cả năm 2021. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết, nhu cầu LNG cao ở châu Âu cùng với giá khí đốt cao kỷ lục đã giúp Mỹ trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2022.
Do giá khí đốt cao ngất ngưởng, trong khi thị trường eo hẹp, nên khu vực này đã phải tiêu thụ tiết kiệm, thậm chí tính đến cả phương án phân phối năng lượng. Việc sử dụng khí đốt để sản xuất điện cũng giảm dần. Các ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng cũng bị hạn chế.
Để hỗ trợ các gia đình, doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí năng lượng do giá khí đốt và năng lượng tăng cao, theo tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Bỉ, đến nay các quốc gia châu Âu đã phân bổ gần 800 tỷ euro (854 tỷ USD) cho chi phí năng lượng. Trong đó Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, chi nhiều nhất, với gần 270 tỷ euro. Tiếp đến là Anh, Italy và Pháp, mỗi nước chi ít nhất 150 tỷ euro.
Đến thời điểm này, có thể nói châu Âu đã vượt qua được cơn khủng hoảng năng lượng nhờ vào lượng dự trữ dồi dào, các nguồn cung mới thay thế và nhờ cả thời tiết mùa đông ôn hòa, ít lạnh giá hơn.
Theo Financial Times, giá khí đốt tại khu vực này cũng đã giảm mạnh xuống còn 49 euro/MWh, thấp nhất trong 18 tháng qua và giảm 85% so với mức cao nhất 300 euro/MWh đạt được vào tháng 8 năm ngoái.
Các chuyên gia cho rằng mặc dù giá khí đốt hiện vẫn cao hơn so với mức phổ biến trong lịch sử 10-30 euro/MWh, song đã không còn khả năng gây ra một cuộc suy thoái sâu và kéo dài trên khắp châu Âu.
"Có vẻ như châu Âu đã cai nghiện thành công khí đốt Nga. Giá khí đốt ở châu Âu vẫn còn đắt nhưng không còn dẫn đến nguy cơ thiếu hụt hoàn toàn", nhà phân tích Henning Gloystein tại công ty tư vấn Eurasia Group đánh giá.
Nội dung: Nhật Linh
24/02/2023