Các hãng hàng không Việt Nam được dự báo là sẽ rất khó khăn trong năm 2023, đặc biệt là việc duy trì thanh khoản.
“Tình hình tài chính của các hãng hàng không Việt Nam đang rất căng thẳng, thậm chí đứng trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về dòng tiền ngay trong năm 2023”, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia về hàng không đưa ra nhận định nói trên tại cuộc tọa đàm “Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt” do Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam tổ chức vào chiều nay.
Càng bay càng lỗ
Ông Nam cho biết, trong giai đoạn 2020 – 2021, thị trường hàng không toàn cầu suy thoái chung nên các hãng hàng không Việt Nam gặp nhiều thuận lợi trong việc giãn các khoản thanh toán cho các nhà cho thuê tàu bay.
Tuy nhiên, hiện nay, thị trường hàng không toàn cầu đã dần phục hồi, nhu cầu thuê tàu bay tại Mỹ, Châu Âu đang tăng cao nên các hãng hàng không Việt Nam có nguy cơ bị thu hồi tàu bay nếu tiếp tục chậm các khoản thanh toán đến hạn.
“Trong bối cảnh các hãng đều ngập trong thua lỗ lớn sau 3 năm chống chịu với dịch Covid-19, đây sẽ là một vấn đề rất lớn của toàn thị trường”, ông Nam lo lắng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, về tổng quan, thị trường hàng không Việt Nam đã không đạt được mức độ phục hồi như kỳ vọng.
Trong khi sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đã đạt, thậm chí vượt mức năm 2019 – thời điểm trước khi bùng phát dịch Covid-19, thị trường vận chuyển quốc tế đã phục hồi rất chậm mặc dù Việt Nam mở cửa từ rất sớm. Sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng bay Việt trong tháng 12/2022 mới chỉ bằng 50% sản lượng cùng kỳ năm 2019 do nhiều thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc mở cửa chậm, thậm chí chưa mở hoàn toàn.
“Thị trường quốc tế tuy chỉ chiếm 40% về sản lượng nhưng mang lại hơn 60% doanh thu và lợi nhuận cho các hãng hàng không Việt Nam”, ông Thành cho biết.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, hiện Hiệp hội vận tải hàng không thế giới – IATA đánh giá tốc độ phục hồi của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chậm nhất thế giới khi phải đến cuối năm 2024 mới phục hồi, chắc chắn sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các hãng bay Việt Nam. Điều này cho thấy năm 2023 sẽ là một năm đặc biệt khó khăn đối với các hãng hàng không Việt Nam.
Một điều đáng lo ngại được ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ là hiện tại người dân Nhật Bản, Hàn Quốc rất ngại thực hiện các chuyến du lịch nước ngoài thay vào đó họ đi du lịch trong nước, phần do lo ngại dịch bệnh, phần để tiết kiệm tài chính trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Khó khăn lớn nhất của các hãng bay Việt, theo bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet là trong khi giá vé bình quân trên thị trường thế giới đã tăng giá trên 50%, nhưng giá vé nội địa lại không tăng. Các hãng bay không được áp dụng cơ chế phụ thu nhiên liệu kể cả khi giá nhiên liệu bay đã tăng rất mạnh trong những năm qua. Không chỉ nhiên liệu mà các chi phí đầu vào khác như: chi phí thuê tàu bay, tỷ giá, nhân công đều đã tăng đã khiến các hãng bay Việt Nam dù bay nhiều nhưng vẫn không cân đối được thu chi.
“Hàng không Việt vẫn chìm đắm trong thanh khoản yếu. Lo ngại hàng không không thể hồi phục lại, nên ngân hàng đã hạn chế trong việc cho vay vốn, dẫn đến hàng không loay hoay với một đống chi phí phát sinh. Hãng nào cũng lỗ lớn”, bà Yến Phương đánh giá.
Bỏ trần giá vé nội địa
Ngoài việc tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ như đã thực hiện trong giai đoạn dịch Covid-19, hầu hết các chuyên gia tham dự tọa đàm và lãnh đạo các hãng hàng không đều thống nhất việc sớm bãi bỏ trần giá vé vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Trước đó, vào tháng 7/2015, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BGTVT về quản lý giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ chuyên ngành hàng không. Theo đó tại khoản 4, Điều 6. Mục 1 Chương II quy định, khi các yếu tố hình thành giá trong nước và giá thế giới có biến động ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì Bộ GTVT kịp thời xem xét, điều chỉnh giá. Các tổ chức, cá nhân có quyền kiến nghị điều chỉnh mức giá theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở Thông tư số 36, tháng 9/2015, Cục Hàng không Việt Nam ban hành Công văn số 5010/CHK-TC về việc điều chỉnh khung giá trần. Căn cứ điều chỉnh khung giá trần được xác định dựa trên giá nhiên liệu duy trì ở mức 80-85 USD/thùng Jet A1 trong các tháng đầu năm 2015.
“Toàn bộ các chi phí đầu vào trong đó có giá dầu jet A1 đã tăng mạnh nhưng các cơ quan quản lý vẫn duy trì trần giá vé xây dựng từ năm 2015 đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải hàng không”, ông Thành thông tin.
Nhận định nói trên là có cơ sở bởi theo số liệu thống kê của IATA ngày 17/2/2023, giá Jet A1 khu vực Châu Á là 102.99 USD/thùng, dự báo giá Jet A1 bình quân năm 2023 là 128.63 USD/thùng.
Với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không có biến động thì với biến động của giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND, chi phí nhiên liệu tháng 2/2023 của các hãng hàng không tăng 30,6% so với tháng 12/2014 và tăng 45,51% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 15,4% so với tháng 12/2014 và tăng 19,47% so với tháng 9/2015.
Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways kiến nghị Bộ GTVT sớm xem xét điều chỉnh giá trên cơ sở đúng quy định pháp luật theo thực tế yếu tố đầu vào.
“Tôi cho rằng nên bỏ quy định giá trần với những đường bay đã có từ 3 hãng khai thác trở lên. Nhà nước chỉ quản lý những đường bay đang độc quyền khai thác", ông Quân nói và cho rằng việc bỏ giá trần hay nâng giá trần không những không ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn giúp đa dạng chính sách giá, giúp các hãng hàng không có điều kiện cung ứng sản phẩm chất lượng tốt nhất đến khách hàng,” ông Quân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, TS Cấn Văn Lực cho rằng việc tranh cãi bỏ hay giữ áp giá trần vé máy bay đã “nóng” từ năm 2005 đến nay vẫn chưa ngã ngũ dù Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia còn duy trì khung giá cước vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.
“Tuy nhiên hiện Việt Nam đã hội nhập, không thể một mình mình một quy định. Việc bỏ giá trần sẽ làm tăng khả năng thu hút đầu tư cho ngành hàng không, giá cả và các yếu tố cấu thành giá hàng không thay đổi rất nhanh, cứ áp giá trần là không theo kịp”, ông Lực nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng bỏ giá trần thì cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp hàng không phải công khai, minh bạch hơn để người dân yên tâm không bị các hãng "bắt tay nhau ép giá" khách hàng.