Nằm trong chương trình ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh Cà Mau đã được đầu tư khoảng 55 km đê biển Tây (đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa và đoạn từ Khánh Hội đến Sông Đốc). Các đoạn này cơ bản đã đảm bảo ngăn mặn, ngăn nước biển, triều cường để bảo vệ sản xuất của bà con bên trong vùng dự án.
Chậm trễ do đấu thầu quốc tế
Tuy nhiên, đoạn đê biển Tây từ Khánh Hội đến Hương Mai (nằm trên địa bàn H.U Minh) dài khoảng 10 km được Ngân hàng tái thiết Đức tài trợ đầu tư khoảng 13 triệu euro 10 năm qua chưa thi công do vướng đấu thầu quốc tế.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau nói: "Dự án được lập từ năm 2013, hoàn thành năm 2020 nhưng không thực hiện được và sau đó điều chỉnh lại thành giai đoạn 2021 - 2025. Nguyên nhân chậm trễ do đơn vị tài trợ thực hiện đấu thầu quốc tế nhưng họ làm hồ sơ chậm nên dự án kéo dài đến nay".
Cũng theo ông Nam, tình trạng đoạn đê trên hiện nay cao trình chỉ có +1,2 m - 1,3 m. Trong khi đó, các tuyến hoàn thành đạt mức cao trình +3,0 m. "Với hiện trạng như vậy không đảm bảo ngăn triều cường sóng lớn. Những năm gần đây, vào khoảng tháng 7 - 8, các đợt triều cường, nước dâng cục bộ khiến những đoạn từ Khánh Hội đến Hương Mai thường xuyên bị nước tràn qua đê gây ảnh hưởng sản xuất rất lớn của bà con 2 xã Khánh Tiến và xã Khánh Hội, H.U Minh. Tiếp xúc với người dân trong khu vực, họ cho biết nước dâng, ngập đến gối là chuyện thường xuyên", ông Nam nói.
Hơn 40 năm sinh sống trên tuyến đê này, ông Trần Văn Rạn (ấp 2, xã Khánh Tiến) không ít lần chứng kiến cảnh mực nước triều cường dâng tràn qua mặt đê, có đợt triều cường cục bộ tràn qua ngập nhà người dân sống ở khu vực chân đê. Bà con nuôi trồng thủy sản gần chân đê bị thất thoát hết mỗi khi triều cường dâng. Còn trồng cây trái, hoa màu cũng bị hư hại vì không chịu được mặn.
Là hộ sinh sống phía ngoài chân đê, chị Lư Thị Đài (ngụ ấp 3, xã Khánh Tiến) thiết tha: "Người dân chúng tôi ở khu vực chân đê mong các cấp chính quyền sớm nâng cấp tuyến đê để khi có gió bão, người dân lưu thông thuận tiện. Ai cũng có lộ làng mà ở đây không có khổ dữ lắm. Nhà nào có người bệnh phải cõng bộ hàng cây số để đến lộ bê tông để đi viện".
Sẽ đắp bờ lên cao trình +2,5 m
Ông Tô Quốc Nam cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai dự án đoạn đê này và nhiều lần cũng đề nghị tỉnh thực hiện đầu tư dự án ven biển, nhưng Bộ NN-PTNT quyết định chờ phía tài trợ mời thầu quốc tế.
"Trước mắt, Sở NN-PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh cho đắp bờ lên cao trình +2,5 m, chiều rộng chân đê khoảng 2 m và mặt đê khoảng 1 m để đảm bảo nước không tràn qua đê, để giảm ảnh hưởng cũng như thiệt hại tài sản của người dân trong mùa mưa bão tới", ông Nam cho biết.
"Về giải pháp lâu dài, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm triển khai thực hiện các dự án đoạn đê còn lại hoàn thành trong giai đoạn 2023 - 2025 để nối liền tuyến đê biển Tây từ giáp tỉnh Kiên Giang về tới Sông Đốc", ông Tô Quốc Nam cho hay.
Dự án đê biển Tây, đi qua tỉnh Cà Mau là một trong những công trình có nhiệm vụ nhằm phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tính mạng và tài sản cho hàng trăm hộ dân sống ven biển, hàng ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, kết hợp xây dựng tuyến đường giao thông ven biển trên mặt đê. Đặc biệt, tuyến đường trên đê phục vụ thiết thực cho an ninh quốc phòng, tạo thành tuyến giao thông liên huyện, liên tỉnh nối liền các khu kinh tế ven biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong nội vùng và ra bên ngoài góp phần giảm nghèo cho nhân dân trong vùng và phát triển kinh tế - xã hội H.U Minh nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung.