Tuần qua, thị trường đã có phiên mở đầu khá thuận lợi nhưng áp lực bán ngày càng gia tăng trong những phiên tiếp theo khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index lùi về mốc 1.040 điểm với thanh khoản sụt giảm mạnh mẽ. Ông/bà có góc nhìn như thế nào về xu hướng thị trường trong tuần tới?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Thị trường vừa trải qua một tuần giao dịch đầy biến động khi tăng điểm mạnh đầu tuần nhưng sau đó lại giảm liên tiếp 4 phiên và đóng cửa thấp nhất tuần.
Diễn biến kém tích cực của thị trường đến từ lo ngại nợ xấu gia tăng liên quan tới một số doanh nghiệp bất động sản lớn. Bên cạnh đó, khối ngoại chuyển sang bán ròng do lo ngại FED có thể tăng lãi suất điều hành cao hơn kỳ vọng càng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán.
Tôi cho rằng tuần tới, trong bối cảnh không có nhiều thông tin tích cực, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại đáy ngắn hạn quanh 1.030-1.035 điểm vào đầu tuần. Nếu không giữ được hỗ trợ này, chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh sâu hơn về vùng hỗ trợ quanh 1.000 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng chỉ số VN-Index có thể sẽ đi ngang quanh mức hiện tại trong tuần giao dịch tới. Trong ngắn hạn, chỉ số VN-Index có thể sẽ chưa xuyên thủng mức hỗ trợ 1.030 điểm, nhưng rủi ro ngắn hạn đã có chiều hướng tăng lên khi xu hướng ngắn hạn đã tiêu cực hơn.
Tôi kỳ vọng thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi vào các phiên đầu tuần và nhanh chóng quay lại đà giảm ở các phiên cuối tuần, về cơ bản thị trường sẽ đi ngang quanh mức hiện tại.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec
Theo tôi, áp lực chốt lời dường như đã trở nên rõ ràng hơn, đặc biệt khi đồ thị kỹ thuật của VN-Index xuất hiện một cây nến đỏ với râu trên dài, kết thúc gần sát mức thấp nhất tuần và khối lượng giao dịch cao hơn tuần phục hồi trước đó.
Trong khi đó, lực cầu từ nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu suy yếu, thể hiện qua 8 phiên bán ròng liên tục với quy mô tăng dần và trải dài nhiều mã.
Do vậy, tôi cho rằng xu hướng điều chỉnh trong tuần tới sẽ đóng vai trò chủ đạo, trong đó mốc 1.030 điểm với 2 lần kiểm định thành công trước đó sẽ là ngưỡng cần lưu ý. Nếu VN-Index đánh mất hỗ trợ này, nhà đầu tư cần theo dõi ngưỡng hỗ trợ tâm lý – quanh vùng 1.000 điểm.
Ông Nguyễn Anh Khoa |
Thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng khá tiêu cực khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) công bố biên bản cuộc họp gần nhất cho thấy quyết tâm tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Các thị trường khác trên toàn cầu cũng có phản ứng không mấy tích cực. Đối với thị trường Việt Nam, ông/bà nhìn nhận, động thái tiếp tục tăng lãi suất của Fed sẽ tiếp tục tác động theo chiều hướng nào?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Sau nhận định của các quan chức Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) thì thị trường gia tăng dự báo FED sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 23/3 tới. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ dự báo mức tăng 25 điểm cơ bản vẫn chiếm ưu thế với 73%; tỷ lệ dự báo tăng 50 điểm cơ bản chiếm 27% (theo nguồn CME FedWatch). Có nghĩa là các TTCK, bao gồm cả Việt Nam, chỉ phản ứng tiêu cực khi FED tăng lãi suất quyết liệt hơn mức dự kiến. Nếu mức tăng nằm trong dự báo (25 điểm cơ bản) thì tôi cho rằng ảnh hưởng là không quá lớn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường trong nước thiếu vắng các thông tin tích cực thì VN-Index chịu sự dẫn dắt bởi chỉ số Dow Jones và chỉ số đồng USD (DXY). Tuần qua DXY đóng cửa ở mức 105,26 điểm, tăng 1,35%; tăng vọt ở phiên ngày thứ Sáu. Tôi cho rằng yếu tố này sẽ gây áp lực lên TTCK Việt Nam trong những phiên đầu tuần.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, Fed sẽ duy trì việc tăng lãi suất trong năm 2023 với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát, trong bối cảnh tốc độ giảm lạm phát đang có dấu hiệu chậm và việc tăng lãi suất chưa ảnh hưởng nghiêm trọng lên tình hình kinh tế. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng Fed sẽ tốc độ tăng lãi suất của Fed có thể sẽ chậm lại trong năm 2023 cho đến khi mục tiêu lạm phát của Mỹ đạt mức 2%.
Đồng USD và lợi suất trái phiếu đang quay lại đà tăng, tôi cho rằng điều này có thể khiến rủi ro ngắn hạn của TTCK toàn cầu và TTCK Việt Nam nói riêng.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec
Việc báo cáo lạm phát cho kết quả dưới mức kỳ vọng khiến nhà đầu tư lo ngại về rủi ro FED tăng lãi suất mạnh hơn để chống lạm phát. Thống kê từ CMEGroup cho thấy, 1 tháng trước, nhà đầu tư không kỳ vọng việc FED tăng 50 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 3, nhưng chỉ trong 1 tuần qua con số này đã tăng lên 18%, rồi 27% trong hôm nay.
Do đó, trong trường hợp FED tăng lãi suất nhiều hơn 25 điểm cơ bản trong kỳ họp ngày 23/03 tới đây, thị trường Việt Nam có thể phản ứng kém tích cực do (1) Nguy cơ suy thoái gia tăng, (2) Việc lãi suất tăng có thể dẫn tới tỷ giá USD/VND tăng trở lại và ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp đang vay USD tỷ trọng lớn.
Thị trường cũng đang quan tâm đến gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước vừa được đề xuất để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản hiện nay. Với thị trường chứng khoán, ông/bà nhìn nhận mức độ tác động của hai gói tín dụng này tới thị trường nói chung, với nhóm bất động sản cũng như các doanh nghiệp, ngành nghề liên quan như thế nào?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc, Chính phủ đã đưa ra dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản như một số phương án tháo gỡ nút thắt tín dụng; và đáng chú ý là hai gói tín dụng 110 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước vừa đề xuất.
Mục tiêu của hai gói tín dụng trên chủ yếu hướng đến phân khúc nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…, đây là những phân khúc đang có nhu cầu thật và thiết yếu. Cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết có tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội đều có phản ứng tích cực trước thông tin này. Tuy nhiên phân khúc này chiếm tỷ trọng nhỏ trên TTCK, do đó tôi cho rằng mức độ lan tỏa là không lớn.
Bà Trần Khánh Hiền |
Tôi cho rằng, thị trường chờ mong hơn đến các thông tin về các phương án tháo gỡ các nút thắt tín dụng như: giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh hoặc cấp tín dụng cho các dự án bất động sản có phương án vay vốn khả thi, có tiềm lực tài chính… Bên cạnh nếu Dự thảo sửa đổi Nghị định 65 có hiệu lực sớm sẽ có tác động tích cực đến TTCK nhiều hơn.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Cá nhân tôi cho rằng bản chất của hai gói này đều hướng đến mục tiêu chung là hướng đến phân khúc nhà ở xã hội và mức gói tín dụng này đang tương đương với 1% GDP năm 2022.
Trong lịch sử và kinh nghiệm trên thế giới, nguyên tắc phá băng thị trường bất động sản là các gói hỗ trợ thường tương đương 1% GDP sẽ có tác động tích cực và giải quyết được vấn đề của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc thực hiện các gói hỗ trợ này mang tính dài hạn hơn là giải quyết các vấn đề ngắn hạn của thị trường bất động sản.
Hiện nay, vấn đề của TTCK là tình hình đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là trong giai đoạn quý 2/2023 đến giữa quý 3/2023 nên tôi cho rằng, gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ có thể sẽ chưa giải quyết được vấn đề trước mắt và điều này sẽ tác động đến rủi ro ngắn và trung hạn của TTCK. Do đó, nhóm bất động sản phát triển và dịch vụ thương mại sẽ còn gặp khó khăn trong giai đoạn này.
Đối với nhóm liên quan như xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong dài hạn, nhưng câu chuyện đầu tư công có thể sẽ hỗ trợ cho nhóm cổ phiếu xây dựng và vật liệu xây dựng trong ngắn và trung hạn.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec
Tôi cho rằng, việc Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước tiến hành đề xuất 2 gói tín dụng nhằm tháo gỡ thị trường bất động sản hiện nay là điều rất cần thiết, tuy nhiên nhà đầu tư cần theo dõi tính hiệu quả tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản cũng như ngân hàng từ việc triển khai các gói hỗ trợ này. Vì vậy hiện tại vẫn còn khá sớm để đánh giá tác động của 2 gói này tới thị trường đang tốt hay không.
Tuy nhiên, nếu các gói này được phê duyệt, tôi nhìn nhận một số tác động tới các ngành nghề như sau:
Đối với nhóm bất động sản, tôi cho rằng sẽ có sự phân hoá khi nhóm doanh nghiệp làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ có kết quả hưởng lợi, trong khi mức độ hưởng lợi với các nhóm doanh nghiệp bất động sản khác (như thương mại, nghỉ dưỡng) có phần hạn chế hơn.
Trong trường hợp các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được triển khai, các doanh nghiệp xây dựng, vật liệu cũng có thể hưởng lợi khi ký kết các gói thầu và tiến hành thi công/cung ứng dự án.
Đối với nhóm ngân hàng, việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ có thể giúp những ngân hàng tham gia ghi nhận thêm tăng trưởng tín dụng.
Bất chấp diễn biến rung lắc của VN-Index trong tuần qua, chỉ số ngành dầu khí vẫn đang vận động trên vùng đỉnh của sóng hồi vừa qua và so với mặt bằng chung thì nhóm dầu khí đang giữ được xu hướng vận động tích cực. Ông/bà có góc nhìn như thế nào với nhóm cổ phiếu ngành dầu khí ở thời điểm hiện tại?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian vừa qua chủ yếu được hỗ trợ bởi yếu tố giá dầu dự báo vẫn neo ở mức cao trong năm 2023. Tôi vẫn khá tích cực về các cổ phiếu dầu khí, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt lớn, tỷ lệ đòn bẩy thấp, sẽ ít ảnh hưởng bởi việc chi phí vốn tăng cao trong bối cảnh lãi suất tăng.
Bên cạnh đó, những thông tin về các dự án phát triển năng lượng lớn như lô B Ô Môn, phát triển điện gió, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quốc… sẽ là những thông tin đáng chờ đợi trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Giá dầu đã bước vào xu hướng giảm trong ngắn và trung hạn cho nên điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên nhóm sản xuất dầu khí. Tuy nhiên, nhu cầu dầu khí gia tăng trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tại khu vực châu Âu và sự mở cửa trở lại của Trung Quốc, điều này có thể khiến nhu cầu khai thác dầu có thể gia tăng, đặc biệt việc triển khai mở rộng các dự án mới sẽ hỗ trợ tích cực cho nhóm dịch vụ dầu khí trong năm 2023. Do đó, tôi đánh giá lạc quan đối với nhóm dịch vụ dầu khí, đặc biệt là nhóm thăm dò và khai thác.
Ông Nguyễn Thế Minh |
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec
Tôi nhận thấy nhóm dầu khí gần đây đang xuất hiện khá nhiều thông tin tích cực hỗ trợ. Về giá dầu thế giới, nhu cầu dầu thô dự báo sẽ tăng lên nhờ Trung Quốc mở cửa trở lại trong khi nguồn cung thu hẹp khi mới đây nga tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng dầu mỏ 500.000/thùng ngày kể từ tháng 3 tới. Nhiều tổ chức dự báo giá dầu thô năm nay có thể vượt mức 100 USD/thùng.
Tại thị trường trong nước, tiến độ khả quan của dự án Lô B – Ô Môn là một tin tức khả quan đối với ngành dầu khí khi thỏa thuận khung Hợp đồng bán khí cho Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II vừa được ký kết giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Liên danh giữa Marubeni Corporation và Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (WTO).
Đối với nhóm này, tôi ưu tiên lựa chọn nhóm thượng nguồn như PVD, PVS hay PVC. Song nhà đầu tư cũng lưu ý giá các cổ phiếu dầu khí đang ở quanh vùng đỉnh cũ do đó cho điểm mua không an toàn. Nhà đầu tư đã có vị thế giá thấp nên tiếp tục nắm giữ và theo dõi trong các phiên sắp tới.
TTCK “quay xe” liên tục ở các phiên giao dịch khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ, trở tay không kịp với biến động của thị trường trong cùng một phiên. Ở thời điểm hiện tại, đâu là chiến lược có thể tối ưu hoá cơ hội, theo các ông/bà?
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích, CTCK VNDirect (VND)
Tôi vẫn giữ quan điểm đã nêu từ cuối năm ngoái là bối cảnh thị trường sẽ vẫn khó khăn, nhiều rủi ro trong nửa đầu năm. Do áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho TPDN đáo hạn vẫn còn đó, vì vậy thị trường có thể sẽ có một vài đợt tăng giá song chủ yếu do định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, nhưng đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp. Vì vậy tôi vẫn ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” hơn là “tối ưu hóa lợi nhuận” trong nửa đầu năm.
Những cổ phiếu cơ bản đang có mức chiết khấu giá hấp dẫn hoặc cổ phiếu có tỷ suất cổ tức cao là lựa chọn cẩn trọng và đáng quan tâm. Tôi ưa thích các DN đầu ngành, hoặc hoạt động trong các lĩnh vực có rào cản gia nhập, có bảng cân đối lành mạnh, ít sử dụng đòn bẩy và ít ảnh hưởng bởi tỷ giá.
Ngắn hạn hơn, cụ thể là nhận định cho giao dịch tuần tới thì tôi cho rằng nhà đầu tư nên cân nhắc hạ tỷ trọng margin và tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu nếu như chỉ số VN-INDEX không giữ được hỗ trợ 1.030-1.035 điểm.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam
Tôi cho rằng, thị trường phần lớn sẽ đi ngang trong trung hạn cho nên việc dự đoán chỉ số sẽ rất khó và để tối ưu chiến lược trong giai đoạn này thì các nhà đầu tư nên chú ý vào nhóm cổ phiếu, ưu tiên phòng thủ với các nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí, điện, nước, công nghệ và sản xuất thực phẩm. Đồng thời, các nhà đầu tư không nên sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agrisec
Thời điểm này, việc giải ngân mua mới sẽ tương đối khó, đặc biệt khi rủi ro giảm điểm của thị trường đang hiện hữu. Theo tôi, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục của thị trường để hạ tỷ trọng với các nhóm ngành đã tăng mạnh trong nhịp tăng điểm vừa qua như xây dựng, vật liệu, dầu khí.
Đối với các nhà đầu tư nắm giữ trung-dài hạn, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ danh mục, trừ nhóm bất động sản trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, và nhóm ngân hàng trước khả năng các khoản nợ xấu có thể nhiều hơn trong thời gian tới làm suy giảm lợi nhuận.