Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định quy định thí điểm về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với quy mô dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND tỉnh Khánh Hòa.
Cánh đồng lúa tại xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HH |
Quyết định được ký vào ngày 24-2, căn cứ theo Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Quyết định được áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư yêu cầu thuộc trường hợp quyết định quy định và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, dự án phải đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất. Đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, dự án phải có phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy của pháp luật về trồng trọt.
Quy trình đề nghị chấp thuận chuyển đổi mục đích gồm các bước: UBND cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng áp dụng quy định và đáp ứng điều kiện quy định theo quyết định.
Chính quyền cấp huyện gửi tổng hợp về Sở TN&MT để lập hồ sơ báo cáo UBND tỉnh xem xét trình HĐND tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác để thực hiện dự án. Đối với trường hợp dự án thực hiện tại địa bàn 2 huyện trở lên thì chủ đầu tư, nhà đầu tư đăng ký trực tiếp với Sở TN&MT.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Sở TN&MT trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn ba ngày từ khi nhận được hồ sơ.
Trong thời hạn 15 ngày, Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện, cấp xã nơi có đất lấy ý kiến về vị trí, quy mô sử dụng đất của dự án đầu tư; ảnh hưởng đối với người có đất bị thu hồi (đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề); tác động của việc chuyển mục đích sử dụng đất đến cộng đồng dân cư.
Sau đó, Sở TN&MT phối hợp với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất, UBND cấp huyện nơi có đất để tổng hợp, giải trình, tiếp thu các ý kiến và lập hồ sơ đề nghị chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất để trình UBND tỉnh Khánh Hòa.
HĐND tỉnh Khánh Hòa được chuyển đổi mục đích đất trồng lúa quy mô dưới 500 ha. Ảnh: HH |
UBND tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm tổ chức thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn không quá 10 ngày từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, UBND tỉnh thông báo cho Sở TN&MT trong thời hạn không quá hai ngày.
Sau đó, UBND tỉnh quyết định hình thức thẩm định thông qua hội đồng thẩm định hoặc tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giải trình, tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. HĐND tỉnh Khánh Hòa sẽ chịu trách nhiệm và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả chuyển mục đích sử dụng đất hàng năm.
Quyết định này có hiệu lực cho đến khi Nghị quyết 55 của Quốc hội hết hiệu lực.
Ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 55 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Theo đó, Quốc hội đã thông qua 11 cơ chế, chính sách cho tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách; quản lý quy hoạch; quản lý đất đai; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; thu hút đầu tư trong khu kinh tế Vân Phong; phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển.
Nghị quyết 55 có hiệu lực trong 5 năm.