Ông Barry David Weisblatt, Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) chia sẻ trong chương trình bí mật đồng tiền số 60.
Thông tin đang được thị trường quan tâm đó là, Quỹ Vaneck Vietnam ETF sẽ thay đổi chỉ số cơ sở sang Market vector Vietnam local index (chỉ gồm những cổ phiếu Việt Nam có thanh khoản cao) và trong 1 tháng qua, quỹ này đã huy động được 2.000 tỷ đồng. Một số quỹ như Fubon, hay VNDiamond cũng đã thu hút được dòng tiền khối ngoại. Ông Barry nhìn nhận, đây là tín hiệu tích cực.
Sự tích cực thể hiện ở việc, Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trên toàn cầu. Nếu Việt Nam được nâng lên thị trường mới nổi, dòng tiền sẽ còn tốt hơn. Theo đó, dài hạn thì xu hướng vẫn là tích cực. Còn dòng vốn đi ra lúc này, theo ông Barry, sẽ dựa trên một số những trường hợp cụ thể, chẳng hạn như thông tin chưa được làm rõ như Sacombank (STB).
Có ý kiến cho rằng, vấn đề mua vượt room ngoại của STB khiến khối ngoại “phật ý” với cơ chế quản lý của Việt Nam về giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài, nhưng ông Barry lại không nghĩ tỷ lệ sở hữu nước là quan trọng, mà quan trọng là sự rõ ràng, minh bạch. Điểm này chính là điểm mà ông thấy có nhiều sự cải thiện ở các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Các công ty đã phát triển những tính năng như Quan hệ nhà đầu tư (IR), báo cáo đã có tiếng Anh, thông tin đã có sự minh bạch...
Nói đến câu chuyện về room khối ngoại tại STB, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của SSI cho rằng, đây không phải lần đầu tiên có những câu chuyện như thế này, mà trước đây cũng có những trường hợp tương tự như TCB, VPB…, hay các doanh nghiệp không phải ngân hàng như Vinaconex..., nên nhà đầu tư nước ngoài sẽ không có phản ứng quá tiêu cực đối với vấn đề này.
Đồng quan điểm, ông Barry cho rằng, vấn đề room ngoại tại STB sẽ không gây nên tác động quá lâu. Nhà đầu tư nước ngoài luôn mong muốn nới room, nhưng đó không phải là tất cả.
“Nếu các ngân hàng có thể nới room ngoại lên 49% thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất vui, nhưng liệu nó có giúp thị trường nâng hạng, hay có giúp VN-Index tăng điểm hay không thì tôi không biết. Quan trọng là có sự rõ ràng minh bạch trong các quy định, không nhầm lẫn gây bất ngờ”, ông Barry nhấn mạnh.
Trong tuần qua, nhà đầu tư nước ngoài có tuần bán ròng cả 5 phiên với tổng giá trị bán ròng trên cả 3 sàn đạt 1.290 tỷ đồng, tập trung vào các mã VHM, DXG, DCM. Chiều ngược lại, họ mua ròng chủ yếu các mã IDC, NKG và PVS. Phiên hôm nay (27/2), khối ngoại vẫn chưa dừng đà bán.
Ông Barry cho rằng, điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam, đó chính là bức tranh vĩ mô sáng trong dài hạn, Việt Nam có rất nhiều các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, tầng lớp trung lưu cũng bắt đầu tăng lên, ngành công nghiệp đang phát triển và sự chuyển dịch trong lĩnh vực công nghệ cũng bắt đầu.
Nhìn lại diễn biến thị trường trong 2017, khi nhà đầu tư ngoại mua rất nhiều đã giúp chỉ số tăng mạnh, nhưng sau đó cũng sụt giảm rất nhanh, ông Barry đánh giá: "Điều quan trọng ở đây khi nhìn vào khối ngoại, là hãy xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang làm gì. Việc Fed tăng/giảm suất sẽ liên quan đến động thái của Ngân hàng Nhà nước. Từ đó, sẽ có những tác động lên lợi suất trái phiếu hay là giá của cổ phiếu. Cho nên động thái của Fed là quan trọng hơn rất nhiều so với động thái của khối ngoại trong việc mua bán".
Ngoài ra, theo ông Barry, không nên quyết định mua hay bán khi thấy khối ngoại bán ròng. Các nhà đầu tư hãy làm “bài tập”, nghiên cứu, phân tích về doanh nghiệp đó, chiến lược đầu tư và ban lãnh đạo của doanh nghiệp đó.
Ông Phạm Lưu Hưng chia sẻ thêm, một số nhà đầu tư đang giao dịch ở những mã cổ phiếu không liên quan đến khối ngoại và cho rằng không cần quan tâm đến động thái của khối ngoại. Tuy vậy, nếu các nhà đầu tư muốn quan tâm đến xu hướng lớn của thị trường, việc cần quan tâm đến giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sẽ khá quan trọng. Nhưng từ nghiên cứu đó để đi vào thực tế thì cần phải quan tâm đến từng cổ phiếu, đặc biệt là diễn biến ở đằng sau đó.
Ông Hưng cho rằng, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến quan điểm từ các quỹ nước ngoài mang tính chất dài hạn, hơn là các quỹ có dòng tiền tương đối ngắn hạn như các quỹ ETF. Bởi chính các quỹ này cũng không biết khi nào họ có tiền vào và khi nào họ có tiền ra, nên nhìn theo họ sẽ mang tính chất ngẫu nhiên nhất định. Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên nhìn các xu hướng lớn trên thế giới nhiều hơn, như động thái của Fed.
Ông Hưng nói thêm, đa số mọi người hay có suy nghĩ rằng nhà đầu tư nước ngoài rất kiên nhẫn, nhưng không phải tất cả các nhà đầu tư nước ngoài đều kiên nhẫn, có một số nhóm, khi họ huy động tiền nhiều từ các nhà đầu tư cá nhân, hành động của họ trên thị trường sẽ tương đối giống nhà đầu tư cá nhân.
Đưa ra lời khuyên thêm với nhà đầu tư, ông Barry cho rằng, các nhà đầu tư cũng cần phải hiểu sự khác nhau giữa áp lực thị trường và sự triển khai của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu mua một cổ phiếu mà ban lãnh đạo không thực hiện được kế hoạch kinh doanh phù hợp, thì cần phải thoái vốn nhanh chóng, điều đó cũng khác là khi chúng ta mua một cổ phiếu, nhưng ban lãnh đạo họ làm rất tốt, sau đó là biến động giá lên hoặc xuống, vậy thì chúng ta có thể chờ thời điểm để mua vào bán ra.