Bán phụ nữ có chồng sang xứ người
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lô Văn Đức (SN 1990), trú xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn về hành vi mua bán người. Nạn nhân trong vụ án là chị Lương Thị U. (SN 1995), trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn.
Chị U. đã có chồng con. Vì hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ, chồng lại đau ốm bệnh tật nên chị U. muốn tìm việc làm để cải thiện đời sống. Năm 2016, quá trình tìm việc chị tình cờ gặp Lô Văn Đức. Trước lời rủ rê đi làm công ty với “việc nhẹ, lương cao”, chị U. không nghi ngờ gì mà gật đầu đồng ý.
Sau đó, chị bị Đức đưa sang Trung Quốc. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa bán chứ không phải đi làm công ty như lời hứa trước đó của Đức.
Dù phản đối song do không quen biết ai ở nơi đất khách quê người, không có điện thoại liên lạc với người thân, lại bị thúc ép nên U. bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ… Từ đó, là chuỗi ngày chịu bao cay đắng, tủi nhục, khóc cạn nước mắt của chị khi làm dâu xứ người.
Trên danh nghĩa là làm vợ, song chị không khác gì là người giúp việc trong gia đình. Chị phải làm các công việc quần quật từ sáng sớm cho đến đêm khuya, bị cả gia đình chồng quản thúc, không cho giao tiếp với người ngoài.
Sau nhiều lần lên kế hoạch bỏ trốn thất bại, vào một ngày cuối năm 2022, lợi dụng sơ hở của nhà chồng, Lương Thị U. đã trốn thoát thành công, trở về Việt Nam. Ngày trở về quê hương, bản làng đã đổi thay hơn nhiều so với 6 năm trước.
Điều khiến U. đau lòng hơn là chị nhận hung tin chồng mình đã qua đời. Quá uất ức và bức xúc bởi bản thân mình bị lừa dối, bị bán sang Trung Quốc làm vợ nên chị U. đã làm đơn tố cáo hành vi của Lô Văn Đức lên Cơ quan Công an huyện Kỳ Sơn.
Sau thời gian theo dõi mọi di biến động của đối tượng, đầu tháng 2/2023, nhận được tin Lô Văn Đức vừa trở về nhà sau chuyến làm ăn bên Lào, cơ quan công an đã khống chế, bắt giữ thành công đối tượng. Tại Cơ quan Công an, trước những tài liệu, chứng cứ đối tượng Lô Văn Đức khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo đó, vào năm 2015, trong quá trình làm việc bên Trung Quốc, Đức có quen với một người phụ nữ (không rõ lai lịch, địa chỉ) đặt vấn đề “ai có nhu cầu sang Trung Quốc lấy chồng” thì sẽ được trả “hoa hồng” từ 10-20 triệu đồng. Thấy số tiền lớn, Đức đồng ý.
Sau khi về quê nhà, Đức đã rủ rê chị U. sang Trung Quốc làm việc. Chị U. sau đó bị bán với giá 3 vạn nhân dân tệ. Trong vụ án này, Đức hưởng lợi 10 triệu đồng tiền công.
Đối tượng Lô Văn Đức tại cơ quan công an.
Tăng cường phòng, chống mua bán người
Qua thực tiễn cho thấy, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn biên giới Nghệ An vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng mua bán người thường tổ chức thành các đường dây khép kín, có sự cấu kết chặt chẽ từ địa bàn nội địa, khu vực biên giới và ở nước ngoài; núp bóng dưới nhiều vỏ bọc, bằng nhiều chiêu thức khác nhau như: môi giới xuất khẩu lao động, tuyển người đi làm trong các công ty, thông qua các trang mạng xã hội để tán tỉnh, hẹn hò, giả vờ yêu đương hoặc qua người thân để tiếp cận, rủ rê... sau đó lừa bán ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các đối tượng còn tìm cách dụ dỗ phụ nữ miền núi có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ly thân, ly hôn đưa sang Trung Quốc.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người trên địa bàn năm 2023.
Một trong những yêu cầu trong kế hoạch này là phải bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời phải quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về phòng, chống tội phạm mua bán người, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm mua bán người; xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác phòng, chống mua bán người.
Một trong những công tác trọng tâm đó là truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người. Theo đó, sẽ tổ chức mít tinh và các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” phù hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người năm 2023. Tăng cường tổ chức truyền thông tại cộng đồng.
Đặc biệt, Nghệ An sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục; đưa nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xã, các trường dân tộc nội trú, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Xem thêm: lmth.251505-nab-aul-ib-uhp-ueiht-auc-cuhn-iut-yagn-iouhc/us-hnih-hnin-na/nv.ylgnoc