Thua lỗ 4 năm liên tiếp
Công ty cổ phần 382 Đông Anh tiền thân là Công ty cổ phần Viglacera Đông Anh, được thành lập ngày 9/9/2003 theo quyết định của Bộ Xây dựng về việc chuyển Nhà máy Viglacera Đông Anh - Công ty Gốm xây dựng Từ Sơn, thuộc Tổng công ty Thủy sinh và gốm xây dựng (nay là Tổng công ty Viglacera). Ngày 11/3/2021, Công ty đổi tên thành Công ty cổ phần 382 Đông Anh.
DAC có vốn điều lệ 10,049 tỷ đồng, hoạt động chính là sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng với các sản phẩm gạch, gạch men, ngói. Hiện tại, hơn 1 triệu cổ phiếu DAC đang giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM).
Ngày 15/2/2023, HNX ra thông báo cổ phiếu DAC bị đưa vào diện hạn chế giao dịch từ ngày 20/2/2023 do vốn chủ sở hữu âm tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Phản ứng trước thông tin này, ngày 16/2/2023, cổ phiếu DAC đã giảm kịch sàn (-13,46%) về mức 4.500 đồng/cổ phiếu và gần như không có giao dịch. Trước đó, DAC nằm trong diện cổ phiếu “chết” thanh khoản trên UPCoM.
DAC đã có 4 năm liền thua lỗ và khoản lỗ năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, trong giai đoạn 2019-2022, Công ty lỗ lần lượt 0,9 tỷ đồng; 2,7 tỷ đồng; 3,6 tỷ đồng và 6,3 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 của DAC là 26,1 tỷ đồng.
Cùng thời điểm, tổng tài sản của DAC đạt 20,76 tỷ đồng, giảm 13% so với đầu năm. Nợ phải trả tăng 17,3% so với đầu kỳ, đạt 22,54 tỷ đồng và tất cả đều là nợ ngắn hạn. Như vậy, nợ phải trả của DAC đã vượt tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu của Công ty âm 1,78 tỷ đồng.
DAC lý giải, trong năm 2022, tổng doanh thu đạt 44,5 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2021, nhưng tỷ lệ tăng giá vốn cao hơn gần 30%, dẫn tới tỷ lệ lãi gộp trên doanh thu giảm 5,78%. Nguyên nhân của việc giá vốn bán hàng tăng cao hơn doanh thu là do giá thành đầu vào các nguyên vật liệu chính như than cám, than ron… đều tăng mạnh và sản phẩm gạch xây chịu sự cạnh tranh khốc liệt, buộc Công ty phải bán lỗ để giải phóng hàng tồn kho.
Khả năng hoạt động liên tục bị nghi ngờ
Theo DAC, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với thị trường gạch nung, một mặt do chính sách thúc đẩy phát triển gạch không nung, hạn chế sử dụng gạch nung trong các công trình xây dựng, mặt khác do thị trường khó khăn, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực cạnh tranh gia tăng…
Dù liên tục kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, nhưng DAC vẫn tự tin có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn từ dòng tiền hoạt động kinh doanh, tiền thu từ các tài sản tài chính đáo hạn và các nguồn lực tài chính khác. DAC cho biết sẽ tập trung tái cơ cấu sản phẩm, chú trọng hơn vào sản xuất ngói - là sản phẩm có giá bán cao và khả năng tiêu thụ tốt hơn so với gạch.
Tuy nhiên, Công ty kiểm toán AASC nhấn mạnh, tại thời điểm 31/12/2022, báo cáo tài chính của DAC đang phản ánh tổng số nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn là 7,33 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2022 là 26,19 tỷ đồng, cao hơn 2,5 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy yếu tố không chắc chắn dẫn tới nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục tục của Công ty.
Thực tế, thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng, bao gồm cả DAC. Cung thừa, cầu yếu khiến các doanh nghiệp chật vật trong việc giải phóng hàng tồn kho. Khó khăn này được nhận định có thể kéo dài đến hết năm 2023 do thị trường chung chưa có nhiều điểm sáng. Bởi vậy, khả năng thoát khó của DAC còn để ngỏ.