Hiệu trưởng thừa nhận đã ký séc khống, làm sai nghiêm trọng
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng xác định, hành vi sai phạm của bị can Đoàn Quang Vinh liên quan trực tiếp đến vụ án mà Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bắt tạm giam đối với 2 bị can là Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính Hoàng Quang Huy (SN 1989, ngụ P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) thông đồng cùng bị can Lâm Thị Hồng Tâm (SN 1973, là Thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng). Hai bị can này trước đây qua điều tra cho thấy đã thực hiện hành vi "tham ô tài sản" trong thời gian từ năm 2021 đến tháng 12-2022 với tổng số tiền hơn 80 tỷ đồng.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), séc ngân hàng là một loại chứng từ kế toán. Do đó, việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán phải tuân thủ đúng qui định của Luật Kế toán. Ngoài ra, việc lập và ký phát séc còn phải tuân thủ quy định tại Điều 7, Thông tư 22/2015/TT-NHNN ngày 20-11-2015 của NHNN về việc quy định cung ứng và sử dụng séc. Tuy nhiên, bị can Đoàn Quang Vinh (lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, chủ tài khoản) không thực hiện đúng qui định.
Điều 7, Thông tư 22/2015/TT-NHNN của NHNN có những quy định rất rõ: "Lập và ký phát séc... Những yếu tố trên tờ séc phải được in hoặc ghi rõ ràng bằng bút mực hoặc bút bi, không viết bằng bút chì hoặc các loại mực đỏ, mực dễ bay màu, không sửa chữa, tẩy xóa. Chữ viết trên séc là tiếng Việt. Trường hợp có yếu tố nước ngoài thì séc có thể sử dụng tiếng nước ngoài theo thỏa thuận của các bên. Chỉ định về người thụ hưởng được ghi theo 1 trong 3 cách thức quy định tại Khoản 1 Điều 60 của Luật Các công cụ chuyển nhượng...".
Cũng theo điều tra, bị can Đoàn Quang Vinh thực hiện việc ký séc cho bị can Lâm Thị Hồng Tâm, nhưng séc không có nội dung, hoàn toàn không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản nhà trường là Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng để sử dụng. Sau khi ký séc không có nội dung, bị can Đoàn Quang Vinh cũng không kiểm tra số tiền đã rút là bao nhiêu, có thực hiện việc nhập quỹ tiền mặt hay không, chi thực tế vào nội dung gì, chứng từ tài liệu chứng minh việc chi tiền là gì...
Làm việc với Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng, bị can Đoàn Quang Vinh thừa nhận toàn bộ việc ký séc khống, căn cứ theo trình ký của bị can Lâm Thị Hồng Tâm và ký duyệt của bị can Hoàng Quang Huy. Hành vi của Đoàn Quang Vinh đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hành vi gây hậu quả nghiêm trọng
Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng có quy mô hàng chục ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh. Trường có vai trò nòng cốt, giữ vị trí quan trọng trong các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng. Liên quan đến vụ án "tham ô tài sản" xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, cho thấy giai đoạn từ năm 2017 đến 2022, bị can Đoàn Quang Vinh giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Đoàn Quang Vinh cũng là người đại diện cho trường trước pháp luật, phụ trách chung và là chủ tài khoản của nhà trường.
Bên cạnh đó, Đoàn Quang Vinh đồng thời trực tiếp phụ trách các mảng công tác, như "Bảo vệ chính trị nội bộ, Tổ chức cán bộ, Thanh tra, Thi đua - khen thưởng, Kế hoạch - tài chính, Nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học". Cũng trong thời gian này, Hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh để xảy hàng loạt sai phạm, thiếu sót cần phải chấn chỉnh...
Các kết luận thanh tra đã nêu rõ và đặc biệt nghiêm trọng là vụ án "rút ruột" hàng chục tỷ đồng đã bị Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng khởi tố điều tra vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Hoàng Quang Huy - Trưởng Phòng Kế hoạch - tài chính và Lâm Thị Hồng Tâm - Thủ quỹ của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng "tham ô tài sản".
Theo quy định của NHNN, séc ngân hàng là một loại chứng từ kế toán. Do đó việc lập và lưu trữ chứng từ kế toán phải tuân thủ đúng quy định của Luật Kế toán như nêu trên. Tuy nhiên, Đoàn Quang Vinh không thực hiện đúng quy định khi chính ông đương nhiệm chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Điều đặc biệt quan tâm của dư luận về vụ án "rút ruột" này, cho thấy Đoàn Quang Vinh thực hiện việc ký séc cho Lâm Thị Hồng Tâm, nhưng séc không có nội dung, hoàn toàn không có văn bản đề xuất phương án chi và chứng từ dự toán chi, thể hiện sự cần thiết phải rút tiền từ tài khoản nhà trường để sử dụng, nhưng chủ tài khoản vẫn ký phát séc.
Hành vi của Đoàn Quang Vinh vi phạm nghiêm trọng các quy định về lập và ký phát séc, vi phạm các quy định về việc quản lý sử dụng tài sản công. Hậu quả từ năm 2021 đến thời điểm ngày 31-12-2022, bị can Tâm đã rút và chiếm đoạt của nhà trường tổng số tiền 82,9 tỷ đồng (đây là tổng số tiền từ các nguồn thu được nộp vào tài khoản ngân hàng của nhà trường).
Hành vi của bị can Đoàn Quang Vinh còn được xác định là "không kiểm tra, quản lý tài sản công" theo chức trách nhiệm vụ được giao. Trong suốt thời gian từ năm 2021 đến ngày 31-12-2022, Hiệu trưởng Đoàn Quang Vinh cũng không kiểm tra tồn quỹ trên tài khoản ngân hàng để đối chiếu, không thực hiện việc kiểm tra, quản lý, sử dụng tài sản công, dòng tiền thu từ các nguồn thu ngân sách theo định kỳ và đột xuất.
Căn cứ các quyết định bổ nhiệm, quyết định phân công nhiệm vụ, quy định quản lý sử dụng tài sản công của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và các quy định của pháp luật về quản lý sử dụng tài sản công, với vai trò Hiệu trưởng, chủ tài khoản của nhà trường, Đoàn Quang Vinh là người quyết định và chịu trách nhiệm về việc quản lý và sử dụng tài sản của nhà trường trước pháp luật.
Đối với trình độ, là người quản lý, Đoàn Quang Vinh buộc phải nắm rõ, thực hiện đúng nguyên tắc kế toán và các nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn cho tài sản công. Chưa hết, Đoàn Quang Vinh tiếp tục làm sai các quy định về việc kiểm kê tài sản, kiểm tra hoạt động kế toán tại đơn vị như trên. Hành vi này diễn ra trong thời gian dài từ năm 2021 đến ngày 31-12-2022.
Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, tài sản Nhà nước được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng. Quá trình quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước phải đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Hành vi vi phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội, gây thất thoát, lãng phí đối với tài sản Nhà nước, cần thiết phải xử lý bằng biện pháp hình sự. Tội phạm này có các dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản sau: Chủ thể của tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, là chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những người được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (thường là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước).
Điều 219 "tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, khoản 3: Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí... phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm".
Xem thêm: lmth.869341_hniv-gnauq-naod-gnourt-ueih-uuc-maig-mat-tab-ot-iohk/et-hnik-hnin-na/nv.moc.nagnoc