Vốn là một chuyên gia thảo dược nổi tiếng ở Nam Tư cũ (nay thuộc Hungary), từng thực hiện hàng loạt thí nghiệm hóa học trong vườn nhà, nhưng những kỹ năng này đã đưa người phụ nữ nhiều tham vọng và có mối căm hận đàn ông vào những vụ đầu độc kinh hoàng.
Từ chuyên gia thảo dược...
Sinh năm 1838 ở vùng Banat (Romania ngày nay), Ana di Pictonja (biệt danh "Baba Anujka"), con gái của một chủ trang trại giàu có, được gia đình cho học hành tử tế trước khi chuyển đến Vladimirovac thuộc Nam Tư cũ (Serbia ngày nay).
Sau cú lừa tình của viên sĩ quan Áo ở tuổi 20 và cuộc hôn nhân không trọn vẹn với một điền chủ giàu có, lớn hơn mình nhiều tuổi ở Vladimirovac, sinh được 11 người con nhưng chỉ 1 người còn sống đến khi trưởng thành, biến cố tình cảm khiến Ana lui về sống ẩn dật, bắt đầu chuyên tâm bào chế thảo dược từ những loại cây cỏ trong vườn nhà và nổi tiếng khắp vùng là bà lang vườn mát tay, thường xuyên giúp đỡ vợ của những nông dân ở địa phương về vấn đề sức khỏe, với khoản thu nhập đủ để túi rủng rỉnh tiền, trong đó có cả việc giúp các nam thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự từ những loại biệt dược khi uống vào sẽ mệt mỏi, không thể đáp ứng yêu cầu tòng quân. Có trí thông minh tuyệt vời cùng khả năng nói được 5 thứ tiếng, người phụ nữ này đã nhanh chóng dung nạp được nhiều kiến thức dược học.
... Đến "phù thủy Banat"
Nếu chỉ dừng lại ở đó thì Ana chẳng thể trở thành "phù thủy Banat" hay "phù thủy Nam Tư”, đằng này càng đáng sợ hơn khi người phụ nữ trên còn lợi dụng vai trò "tư vấn tình yêu" để chế tạo những lọ "nước thần" chứa độc dược, chỉ dựa vào cân nặng của những gã chồng vũ phu để giúp những bà vợ bị bạo hành có thể trả thù chồng mà không để lại dấu tích". Con số nạn nhân của "phù thủy Banat" có thể dao động từ 50-150 vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, việc kinh doanh khởi sắc đến độ Ana đã mở thêm "đại lý” để tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
Việc làm ăn ngày càng thuận lợi khiến "nữ phù thủy" được đồn thổi có năng lực siêu nhiên với tài chế tác hỗn hợp độc dược có tên "nước ma thuật" hay "thần dược tình yêu", chủ yếu dành cho những người chồng thích bạo hành, uống vào khoảng 8 ngày sẽ không qua khỏi, cùng những lời tiên tri "nói đâu trúng đó” để tranh thủ bòn rút thêm của khách hàng khoản dịch vụ lưu trú và cung cấp thức ăn nước uống.
Vốn là chuyên gia về các loại biệt dược nên chỉ cần lượng nhỏ chất thạch tín (asen) cùng thuốc chuột và một ít cây tatula, được "phù thủy" tính toán liều lượng cần thiết để không ai có thể phát hiện ra nạn nhân đã bị đầu độc. Giá của mỗi lọ "nước thần" dao động từ 2.000 - 10.000 dinar Nam Tư (khoảng từ vài chục đến hơn trăm triệu đồng tiền Việt theo thời giá hiện tại).
"Lưới trời lồng lộng tuy thưa nhưng khó lọt", năm 1914 Ana bị bắt lần đầu tiên nhưng được tuyên trắng án tại tòa. "Phù thủy" tiếp tục hành nghề thêm hơn 10 năm cho đến khi vụ ngộ độc xảy ra vào năm 1926, do "biệt dược tình yêu" bị trợ lý của Ana tính toán không đúng liều lượng dẫn đến vụ đầu độc thứ hai của nữ khách hàng tiềm năng Stana Momirov bị phát hiện. Mọi việc dần sáng tỏ khi tiếp đó, 1 phụ nữ trẻ đẹp bị cáo buộc đã đầu độc chồng mình để ở bên người tình đã nhanh chóng thú nhận mua "thần dược" từ thầy lang vườn Ana.
Gần 18 tháng sau, Ana bị bắt liên quan đến 2 vụ giết người. Quá trình điều tra, nhà chức trách xác định người phụ nữ này là đồng phạm với dấu vết của chất độc arsen. Tất cả đổ lỗi cho bà nhưng tin rằng nạn nhân chết là do sức mạnh siêu nhiên của Ana. Về phần mình, bị cáo này phủ nhận việc từng bán độc dược cho họ dưới bất kỳ hình thức nào.
Do tuổi cao, trong phiên tòa xét xử năm 1929, "phù thủy Banat" chỉ bị phạt 15 năm tù khi đã ở tuổi 90, nhưng thụ án 8 năm thì hưởng ân xá. Được tự do ở tuổi 98, cụ bà Ana sống 2 năm cuối đời tại nhà mình ở Vladimirovac, sau đó qua đời vào tháng 9-1938 ở tuổi 100, nhưng tiếng xấu mãi chẳng thể gột rửa.
(Còn tiếp...)
Xem thêm: lmth.910441_ut-man-yuht-uhp-auc-gnohc-irt-coud-naht-1-yk/et-couq/nv.moc.nagnoc