Sự việc thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, cựu giám đốc Công an Hải Phòng, bị bắt tạm giam do nghi vấn can tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đang khiến dư luận rất quan tâm.
Nếu hành vi của ông Ca đúng như cơ quan điều tra công bố thì quả là hết sức liều lĩnh, quá sức tưởng tượng.
Vụ án chưa có kết luận, song chỉ mới đọc thông tin ban đầu của cơ quan điều tra thì ông Ca đã tự cho phép mình đứng trên pháp luật.
Ông ta dám nhận hàng chục tỉ đồng chạy án, sau đó được biết là đã không làm hoặc không làm được mà vẫn ôm chặt số tiền tày đình đó, chỉ chịu nộp lại khi bị lực lượng chức năng "sờ gáy". Ông Ca là tướng công an, quyền cao chức trọng, có thâm niên công tác, có tới bốn bằng đại học. Ông thừa hiểu việc làm của mình là phi pháp nhưng vẫn cố tình vi phạm, điều đó khẳng định thái độ coi thường pháp luật đến mức khó chấp nhận.
Trước đó, trung tướng Nguyễn Văn Sơn, cựu tư lệnh Cảnh sát biển, tỏ ra táo tợn không kém. Ông Sơn yêu cầu cấp dưới tìm cách rút 50 tỉ đồng tiền ngân sách mà không chùn tay. Khi cấp dưới báo cáo số tiền quá lớn, không thể hạch toán hợp lý, ông Sơn nói đó là mệnh lệnh phải thi hành. Có tiền, ông chia chác cho nhóm lãnh đạo đứng đầu đơn vị, cấp dưới phụ trách tài chính không hề biết tiền "đi đâu, về đâu".
Trong hai vụ án "kit xét nghiệm" và "giải cứu" gây nhiều bức xúc dư luận, tính chất liều lĩnh của nhiều quan chức cũng đạt tới mức "kính nể". Họ bất chấp đại dịch COVID-19, cấu kết với những người có trách nhiệm trong nhiều cơ quan, tạo thành chuỗi "làm ăn" lắt léo, phức tạp. Hệ thống này được tạo dựng khá rộng khắp, âm thầm đưa và nhận hối lộ hết chục tỉ đồng này đến chục tỉ đồng khác, gây thiệt hại rất nghiêm trọng.
Vấn đề đặt ra: Tại sao "củi lửa cháy phừng phừng" nhưng tham nhũng vẫn diễn ra trắng trợn, thậm chí là diễn ra với quy mô lớn? Để trả lời câu hỏi này có lẽ phải đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau, nhưng điều cần đặc biệt phải lưu ý là vấn đề "trên nóng, dưới lạnh".
Quả là sức chiến đấu tại nhiều cấp cơ sở đang giảm sút tới mức báo động. Dù cay đắng vẫn phải thừa nhận: tại nhiều cơ sở, hiệu quả hoạt động chống tham nhũng của các tổ chức Đảng, đoàn thể là rất hạn chế, bị vô hiệu hóa ít nhất là trong các vụ việc trên. Tệ hơn nữa, có một số nơi coi thường dư luận quần chúng, xuê xoa, làm ngơ, bao che sai phạm.
Trong các trường hợp như vậy, rõ ràng dân chủ cơ sở chỉ tồn tại dưới vỏ hình thức, tố cáo tham nhũng bị triệt tiêu, giám sát quyền lực bị bỏ trống. Đây là căn nguyên của tình trạng tham nhũng rất ít khi được phát hiện sớm, ngay từ cơ sở, chỉ đến lúc cơ quan chức năng vào cuộc hay báo chí phát hiện thì mới "té ngửa".
Thực tế việc phát hiện tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy nhiều nơi không làm tốt công tác lựa chọn, đề bạt, kiểm tra cán bộ. Về nguyên tắc, trước khi bổ nhiệm hay bổ nhiệm lại, họ đều phải qua nhiều bước sàng lọc, nhưng rốt cuộc có những "con voi vẫn chui lọt lỗ kim".
Không thể đổ lỗi cho quy trình thiếu chặt chẽ, quan trọng nhất vẫn là con người thực hiện quy trình. Nếu tập thể chỉ là "bầy cừu non", luôn "anh anh em em", hoặc vô cảm, mũ ni che tai, ậm ừ cho qua chuyện thì ắt hẳn là sẽ xảy ra vấn nạn "ghế trên ngồi tót sỗ sàng".
Chúng ta thường nói "Dân biết cả đấy". Đúng vậy! Phải khơi dậy được cái "biết" của dân, nhưng quan trọng hơn nữa phải đảm bảo "dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" thực sự, tức là phát huy sức mạnh của cơ sở thì công cuộc chống tham nhũng mới đạt kết quả mong muốn.
Quần chúng sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn cản không chỉ đối với những kẻ liều lĩnh đến mức kỳ dị, ngay cả những người tham nhũng vặt cũng phải chùn tay.
Cơ quan chức năng phát hiện hơn chục công ty 'ma' do Trương Xuân Đước thành lập tại Hải Phòng đã dừng hoạt động, bị xóa và gác mã số thuế từ năm 2021 đến nay.
Xem thêm: mth.84121838082203202-hnal-ioud-gnon-nert-ed-gnud/nv.ertiout