Trước đại dịch COVID-19, Thượng Hải được xem là "thành phố mang tính quốc tế nhất" của Trung Quốc vì đông nghẹt du khách và các đoàn doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, kể từ lúc Trung Quốc mở cửa lại hôm 8-1 đến nay, không có nhiều bằng chứng cho thấy một thành phố quốc tế như vậy.
Trung Quốc chưa cấp visa du lịch
Báo Financial Times hôm 27-2 mô tả bầu không khí tại Thượng Hải: "Vào một ngày đầy gió tháng 2 gần đây, những du khách tham quan các kiến trúc từ thời thuộc địa và những tòa nhà cao vút ở đây đều là khách Trung Quốc đại lục". Giờ đây sự hồi sinh của thành phố lớn nhất và mang tính quốc tế nhất của Trung Quốc sẽ là phép thử về mối gắn kết của nước này với thế giới bên ngoài.
Trung Quốc đại lục đã mở cửa trở lại muộn hơn nhiều so với các nước phương Tây. Thượng Hải nằm trong số những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các biện pháp hạn chế phòng COVID-19. Thành phố này đã trải qua đợt phong tỏa khắt khe kéo dài hai tháng trong năm 2022, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế.
Trên khắp Thượng Hải, các dấu hiệu về chính sách "Zero COVID" đã biến mất. Hiện nay các booth xét nghiệm di động, nơi 26 triệu dân của thành phố từng trải qua xét nghiệm PCR bắt buộc gần như hằng ngày, thậm chí đang được rao bán trên Xianyu, ứng dụng mua lại đồ cũ. Nhiều người xếp bên ngoài các nhà hàng và khẩu trang đã gần như biến mất khỏi đường phố.
Mặc dù thương mại nội địa đã khởi sắc sau khi Trung Quốc dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng COVID-19 nghiêm ngặt, nhưng quá trình tái hòa nhập toàn cầu của Thượng Hải lại bị tụt lại phía sau. Tháng trước, thành phố này chỉ đón 180.000 lượt khách quốc tế bằng đường hàng không, còn rất thấp so với mức 2,7 triệu lượt vào tháng 1-2019.
Dù đã mở cửa trở lại nhưng hiện nay Trung Quốc vẫn chưa "trải thảm đỏ" cho khách du lịch quốc tế muốn đến trải nghiệm nhiều điểm hấp dẫn của nước này. Trung Quốc vẫn chưa ấn định ngày chính thức cho việc cấp thị thực du lịch. Người nước ngoài chỉ có thể xin thị thực nhập cảnh vào Trung Quốc với mục đích kinh doanh, đoàn tụ gia đình, học tập hoặc công tác.
"Bước tiếp theo của Trung Quốc là bắt đầu cấp thị thực cho mục đích du lịch trở lại. Mặc dù đây là một phần của kế hoạch mở cửa trở lại đã được công bố, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết được ngày chính thức" - ông George Cao, giám đốc điều hành của Dragon Trail International, công ty nghiên cứu và tiếp thị tập trung vào thị trường Trung Quốc, chia sẻ.
Niềm tin vào Thượng Hải
Sau ba năm cách biệt với thế giới, Thượng Hải đang háo hức chào đón các doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, trong đó có vấn đề thu hút nhân viên từ nước ngoài chuyển đến thành phố này làm việc sau khi chứng kiến những gì đã diễn ra trong giai đoạn phong tỏa.
Hiện nay, các doanh nghiệp quốc tế vẫn do dự quay lại Thượng Hải hoạt động với quy mô lớn ngay lập tức, vì họ tiếp tục phải đối mặt với sự chậm trễ về thị thực và những vấn đề gây thất vọng khác. Một nhà xuất khẩu cho biết một số doanh nghiệp vẫn còn nghi ngờ về việc đến Trung Quốc làm ăn, do đợt dịch COVID-19 gần đây, theo báo Financial Times.
Dẫu vậy, bà Bettina Schoen-Behanzin - phó chủ tịch Phòng Thương mại liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc - nhận định: "Thượng Hải có cơ hội xây dựng lại niềm tin đã bị xói mòn trong ba năm qua". Bà kêu gọi chính quyền thành phố này thực hiện "các bước đi rõ ràng để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và có thể dự đoán được tình hình".
Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc trong tháng này đã đưa ra một loạt khuyến nghị cho chính quyền Thượng Hải, trong đó yêu cầu giảm bớt các rào cản đối với việc tiếp cận thị trường. Ông Jörg Wuttke, chủ tịch phòng này, nói: "Người tiêu dùng châu Âu là "lực lượng tạo việc làm khổng lồ" với nền kinh tế Trung Quốc. Nhưng thị trường dễ tiếp cận dành cho chúng tôi có quy mô rất nhỏ. Vào năm 2021, các công ty EU đã bán hàng vào Thụy Sĩ nhiều hơn 23% so với bán vào Trung Quốc".
Tháng trước, ông Cung Chính - thị trưởng Thượng Hải - nói với báo giới rằng hoạt động đầu tư của nước ngoài vào Thượng Hải trong năm ngoái đạt mức 23,5 tỉ USD. Ông lập luận con số này "cho thấy Thượng Hải vẫn là một trong những nơi hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên thế giới".
Thượng Hải sẽ là động lực quan trọng đối với sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trên khắp Trung Quốc đại lục. Thượng Hải đóng góp cho nền kinh tế Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ thành phố nào khác, nhưng GDP của thành phố này giảm còn khoảng 4.470 tỉ nhân dân tệ (658,29 tỉ USD) vào năm 2022, giảm 0,2% so với năm trước đó.
Nhà kinh tế học Dương Kiến Văn tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải đánh giá bất động sản và tiêu dùng là "hai vấn đề lớn nhất" mà Trung Quốc cần giải quyết. Ông nhận định Thượng Hải có vị trí thuận lợi để giải quyết cả hai vấn đề này, đồng thời cho biết thêm thị trường bất động sản của thành phố này hiện "không chịu áp lực lớn".
Các CEO phương Tây tới Trung Quốc
Giới quan sát cho rằng các doanh nghiệp quốc tế sẽ bắt đầu quay lại Trung Quốc hoạt động từ tháng 3-2023, vì thời điểm đó giám đốc điều hành (CEO) Hãng Apple - ông Tim Cook - dự kiến đến thăm Trung Quốc. Theo trang Trung Quốc nhật báo, giám đốc điều hành của các công ty đa quốc gia đang dần quay trở lại Trung Quốc để đánh giá cơ hội kinh doanh ở đây.
Giám đốc điều hành của Volkswagen, ông Oliver Blume, đã đến Trung Quốc từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2, trong khi giám đốc điều hành Hãng dược Pfizer - Albert Bourla - dự kiến đến vào tháng tới. Chủ tịch Ola Källenius của Tập đoàn Mercedes-Benz cũng lên kế hoạch thăm Trung Quốc.
Người dân chen chúc trên các chuyến tàu điện ngầm ở Bắc Kinh và Thượng Hải vào ngày 26-12, trong khi giao thông tắc nghẽn tại một số nơi của hai thành phố này.
Xem thêm: mth.14301723272203202-iah-gnouht-o-uht-pehp-auc-om-couq-gnurt/nv.ertiout