TP.HCM cũng như nhiều tỉnh thành trên toàn quốc đã ra văn bản khẩn, yêu cầu các đơn vị tăng cường phòng chống cúm gia cầm này.
Triển khai nhanh các biện pháp phòng chống cúm gia cầm
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, trong những năm 2003-2009 và 2010-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 ca mắc cúm A (H5N1) và 64 ca tử vong. Kể từ đó đến nay, nước ta chưa ghi nhận thêm ca nào.
Riêng tại TP.HCM, để chủ động ngăn chặn vi rút cúm gia cầm A (H5N1) và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, trước nguy cơ xâm nhập thông qua các hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm trái phép tại nhiều địa phương, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh.
TP.HCM sẽ lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định nguyên nhân với các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút tại tất cả cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt chú ý người có tiền sử dịch tễ đi/đến/ở từ vùng dịch.
Những người có bệnh hoặc chùm ca bệnh cúm, viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân; các trường hợp có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có tiền sử tiếp xúc trực tiếp với gia cầm cũng được lấy mẫu xét nghiệm.
Chú ý sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, khó thở
Bác sĩ CKII Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho hay con người có thể bị nhiễm cúm gia cầm khi hít hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của động vật bị nhiễm bệnh như nước bọt, chất nhầy, phân... Dù tỉ lệ nhiễm từ người sang người rất hạn chế, tuy nhiên vi rút cúm có thể đột biến gene rất nhanh, có thể lây từ người sang người, từ đó gây ra đại dịch cúm.
Về triệu chứng người nhiễm cúm gia cầm, bác sĩ Phong cho biết chúng cũng gần giống như các triệu chứng của nhiễm siêu vi khác như: sốt cao, ho, đau họng, đau cơ, đau khớp, đặc biệt là triệu chứng khó thở xuất hiện sớm và nhanh. Người nhiễm cúm gia cầm, đặc biệt là chủng cúm A (H5N1) rất nguy hiểm, diễn tiến suy hô hấp rất nhanh, dù điều trị tích cực nhưng tỉ lệ tử vong rất cao, với 30-50%.
Nhận định về nguy cơ bệnh cúm A (H5N1) xâm nhập vào các tỉnh phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho rằng nếu chỉ có một ca nhiễm cúm A (H5N1) tử vong ở Campuchia và xét nghiệm không phát hiện thêm người nhiễm mới, cũng như việc kiểm tra, xử lý các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm gia cầm tại nước ta đúng quy định thì nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta không quá cao.
Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm bệnh, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán, sử dụng gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc hay chết không rõ nguyên nhân.
Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm (nêu trên) và có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, cần cách ly tránh tiếp xúc với người thân, đeo khẩu trang y tế và đến cơ sở y tế để được chẩn đoán kịp thời.
Chim trời truyền bệnh cúm gia cầm sang người ra sao?
Tổ chức Y tế thế giới và cơ quan đầu mối y tế quốc tế cho hay tại tỉnh Prey Veng của Campuchia bước đầu ghi nhận hai trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm gia cầm H5N1 độc lực cao. Trong đó có một trường hợp tử vong và một số trường hợp nghi mắc bệnh.
PGS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết thêm, vi rút H5N1 có thể có nhiều ở các loài chim trời. Do đó gia cầm (gà vịt) ở Việt Nam có thể bị lây từ chim trời chứ không nhất thiết lây qua gà, vịt từ Campuchia sang.
Về chuyên môn, các loài chim hoang dã là vật chủ tự nhiên của vi rút cúm gia cầm, còn được gọi là vi rút H5N1. Những loại vi rút này thường vô hại đối với chim, nhưng một số chủng có thể gây bệnh nặng và tử vong ở gia cầm nuôi, chẳng hạn như gà, vịt.
Khi những con chim hoang dã bị nhiễm bệnh, chúng tiếp xúc với gia cầm của con người nuôi, chúng có thể truyền vi rút H5N1 sang gia cầm.
Gà vịt nuôi khi bị nhiễm bệnh từ chim trời, chúng có thể thải vi rút qua phân, nước bọt và dịch tiết mũi, và việc thải này có thể làm ô nhiễm môi trường và lây nhiễm sang các loài chim khác.
Trong một số trường hợp, con người có thể vô tình bị nhiễm vi rút cúm gia cầm khi tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc dịch tiết của chúng.
Ví dụ, điều này có thể xảy ra khi những người xử lý hoặc giết mổ gia cầm bị nhiễm bệnh, hoặc khi họ tiếp xúc gần với gia cầm sống đang bán ở chợ hoặc trong khi chăm sóc gia cầm tại nhà.
Trong một số ít trường hợp, vi rút cúm gia cầm có thể biến đổi và có khả năng lây lan từ người sang người. Đây là một mối quan tâm vì nó có thể dẫn đến một đợt bùng phát hoặc đại dịch lan rộng. Vì vậy, điều quan trọng là phải giám sát và kiểm soát sự lây lan của cúm gia cầm ở cả chim hoang dã và gia cầm nuôi để giảm thiểu nguy cơ lây truyền sang người.
Để ngăn ngừa cúm gia cầm, bà con cần:
1. Tránh tiếp xúc gần với gia cầm như gà, vịt sống hoặc chết. Khi xử lý gia cầm, hãy sử dụng găng tay và cẩn thận rửa tay kỹ lưỡng sau đó.
2. Nấu kỹ thịt gia cầm và trứng trước khi ăn. Điều này giết chết bất kỳ vi rút nào có thể có mặt.
3. Thực hành vệ sinh tốt: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi xử lý gia cầm hoặc tiếp xúc với người bị bệnh.
4. Tránh đi du lịch đến những khu vực có dịch cúm gia cầm đã được báo cáo.
5. Nếu bà con có các triệu chứng giống như cúm, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám bệnh. Điều trị sớm bằng thuốc kháng vi rút có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng.
Bs Nguyễn Thành Úc
Gần đây tại Campuchia phát hiện ca tử vong do cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Prey Veng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công điện khẩn chỉ đạo ngăn chặn, vận chuyển trái phép gia cầm nhập lậu.
Xem thêm: mth.89964547082203202-1n5h-mac-aig-muc-hnid-cax-meihgn-tex-oan-ihk/nv.ertiout