vĐồng tin tức tài chính 365

Cô Đậm về nhà

2023-02-28 10:41
Cô Đậm (ngồi bìa trái) đoàn viên cùng đại gia đình tôi - Ảnh: tác giả cung cấp

Cô Đậm (ngồi bìa trái) đoàn viên cùng đại gia đình tôi - Ảnh: tác giả cung cấp

Bác cả ở xa, các em còn bé nên bố tôi và cô Đậm bươn chải phụ ông bà nội kiếm tiền từ sớm.

Hai anh em theo chân mấy bà hàng xén, hàng xáo cùng quê lên đất Hà Nội. Sức trai 18, bố được nhận làm thuê trong tiệm gạo, cô Đậm 13 theo đám trẻ choai choai khoác sau lưng mớ lồng bàn bà nội đan lát từ mây tre, bán dọc ga Hàng Cỏ rồi không may đi lạc.

Không nhớ nổi bao nhiêu năm, ông nội miệt mài theo chặng đường dài Hà Nội - Hà Nam đi tìm con gái. Đôi chân ông đi đến tất cả ngõ ngách từ bến tàu ra chợ... những mong tìm được con nhưng tin cô ngày càng trở nên thăm thẳm và vô vọng.

Trong khi bà nội vì nhớ thương con mất ăn mất ngủ, hai mắt trũng sâu và thần trí trở nên mơ hồ, lúc mê lúc tỉnh. Thời gian trôi, dần dần trong mâm cơm chiều muộn, không ai dám nhắc tên cô nữa. Không phải để quên, mà nhắc rồi có lẽ chỉ khơi lại nỗi đau trong lòng người thân, ruột thịt.

Cha mẹ tôi đi lập nghiệp tận đất Tây Nguyên mịt mùng nắng gió, cô chú cũng tứ tán theo manh áo miếng cơm mỗi người mỗi ngả. Ngôi nhà vắng tiếng người. Cuối năm 1997, trận lụt lịch sử cuốn trôi thất thảy mọi thứ, nhấn chìm cả ngôi nhà tuổi thơ của chúng tôi.

Nhà mất, người rời đi, cô có về thì về đâu, tìm ai? Theo cha mẹ tôi, ông bà vun vén hết ký ức hóa bụi bặm tro tàn đến nơi ở mới. Chỉ xa quê vài năm, ông lâm bệnh nặng rồi mất.

Sau này chúng tôi mới biết cô Đậm đi lạc được một bà bán phở tốt bụng nhận nuôi. 19 tuổi, cô lấy chồng, chồng cô cũng là người gốc Hà Nam.

Nhà chồng cô ở xóm 4, nhà đẻ ở xóm 7, chỉ cách xa nhau hơn hai chục cây số mà không hay biết. Vài năm sau cô theo chồng sang Đức lập nghiệp.

Khi cô chú từ Đức về quê thăm mẹ chồng, trong những ngày giãn cách, bạn chú gọi điện kể về một ca mắc COVID-19 cùng quê, con dâu ông Phóng bà Tỵ, người xóm 7 nhưng lập nghiệp và mất tại Sài Gòn.

Cô run rẩy chỉ sợ mình nghe nhầm, lắp bắp mãi mới thành câu. Đầu dây bên kia bất ngờ không hiểu chuyện gì nên ngập ngừng một lát mới nói tiếp, người mất tên Vân, chồng tên Đại.

Chưa biết thực hư thế nào nhưng nước mắt cô đã rơi lã chã, chú một mặt trấn an vợ, mặt khác âm thầm dò hỏi, phải mất nửa tháng trời tận dụng hết các mối quan hệ thân quen, chú có được số điện thoại của bố tôi.

Tôi nhớ bố nghe điện khi vừa ăn cơm tối xong. Bố sững lại ngay bậc cầu thang thứ ba khi đầu dây bên kia cất tiếng nói "Anh tên Báu? Có biết người nào tên Đậm không?".

Gương mặt bố biến sắc, ngón tay trỏ miết chặt lấy chiếc điện thoại, trán bố nổi đầy gân xanh, ánh mắt u buồn, thất vọng "Đậm, là em gái tôi, mất tích cách đây 40 năm rồi". Tức thì đầu dây bên kia vỡ òa, nức nở "Anh, em đây, em Đậm của anh đây. Anh ơi, chị Thoa, anh Báu, đến em Đậm, Ngân, Dĩ, Đại".

Tôi không nhớ rõ lúc đó cả nhà tôi nhốn nháo thế nào, cũng không ghi nhớ nổi cảm xúc mọi người ra sao. Chỉ biết rằng thật may mắn, chúng tôi đã có một cuộc đoàn viên ngoài sức tưởng tượng.

Sáu anh chị em bố tôi mỗi người mỗi phương rưng rưng ôm màn hình điện thoại. Phải mất gần tháng sau khi đã qua giãn cách, bố tôi đưa bà nội từ Đắk Lắk về quê.

Về ngôi nhà đã được xây lại trên nền đất cũ theo tâm nguyện của ông nội. Hai cô từ Bình Dương, bác cả từ Yên Bái, chú út từ Sài Gòn cũng mang theo tro cốt của thím về.

Đại gia đình tôi gặp lại nhau tại ngôi nhà thân yêu đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố. Dù không còn được trọn vẹn khi nhà vắng bóng ông, nhưng cuộc về nhà của cô cũng đưa chúng tôi về nơi bình yên và hạnh phúc nhất.

Hơn 1.000 bạn đọc đã gửi bài Về nhà

Cuộc thi viết "Về nhà" do báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành HDBank tổ chức đã nhận được sự tham gia của hơn 1.000 bạn đọc gửi bài dự thi. Hạn cuối nhận bài: hết ngày 1-3.

Các bài được chọn đăng trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online là những bài đã vào sơ khảo, sẽ được tập hợp trong một cuốn sách cùng tên.

Ban giám khảo xét giải chung cuộc cuộc thi Về nhà bao gồm nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, diễn viên Hứa Vĩ Văn và biên tập viên Lê Thị Thái Hòa.

Dự kiến lễ trao giải cuộc thi, ra mắt sách Về nhà diễn ra ngày 18-3 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM.

BAN TỔ CHỨC

Cô Đậm đoàn viên - Ảnh 3.

Nhà tôi trên bến sôngNhà tôi trên bến sông

Sau này, tôi nhất định sẽ cất lại một mái nhà trên bến sông xưa ấy. Một mái nhà chỉ vừa đủ để che mưa nắng nhưng vô cùng hào sảng tặng lại tôi một khoảng trời thơ ấu xa xôi.

Xem thêm: mth.79214059082203202-ahn-ev-mad-oc/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Cô Đậm về nhà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools