Năm 2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 41.200 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. So với các nhà băng kề cận trong bảng xếp hạng, "ông lớn" này giữ cách biệt lợi nhuận hơn chục nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietcombank trên thực tế trải qua một năm khó khăn trong bối cảnh chung của ngành.
Thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng năm 2023 của Vietcombank gần như không tăng trưởng so với 2022. Các nguồn thu ngoài lãi như từ dịch vụ, ngoại hối cũng đều kém hơn so với năm trước.
Riêng trong quý IV, thu nhập từ tín dụng của Vietcombank thậm chí giảm mạnh 14%, lãi thuần dịch vụ và ngoại hối cũng đều giảm trên 20%. Do đó, lãi trước thuế của Vietcombank trong quý IV/2023 giảm 6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 11.690 tỷ.
Vietcombank giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận là nhờ vào "nguồn tích lũy" từ các năm trước. Sau giai đoạn mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, năm 2023, Vietcombank giảm một nửa khoản chi phí này xuống còn hơn 4.500 tỷ đồng. Việc hạ mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro là yếu tố then chốt khiến Vietcombank tăng trưởng được lợi nhuận trong 2023.
Năm 2023, dư nợ cho vay của ngân hàng mẹ Vietcombank tăng trưởng thấp 11%, kém mức tăng trưởng 13% của tiền gửi của khách hàng. Hệ lụy của việc "thừa tiền trong kho" cộng hưởng với tác động của giai đoạn huy động lãi suất cao vào cuối 2022, là nguyên nhân khiến thu nhập từ hoạt động tín dụng của Vietcombank kém hơn năm ngoái.
Chất lượng tài sản của Vietcombank cũng xấu hơn trong xu hướng chung của ngành. Tỷ lệ nợ xấu từ 0,68% hồi đầu năm lên 1% vào cuối 2023. Tỷ lệ nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng tăng mạnh 40% lên hơn 5.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên năm 2023, Vietcombank vẫn duy trì được mức thu nhập cho người lao động. Khoản chi lương, phụ cấp và trợ cấp tăng thêm hơn 900.000 tỷ trong năm 2023, kéo theo thu nhập trung bình của người lao động, gồm cả lãnh đạo Vietcombank từ mức 35,7 triệu đồng năm 2022 lên 37,6 triệu đồng trong năm 2023.
Quỳnh Trang