Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đạt tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 23.830 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Với kết quả trên, quý IV đã phá kỷ lục quý III trước đó, trở thành quý có mức doanh thu cao nhất mà Vietnam Airlines ghi nhận kể từ năm 2020 đến nay.
Dù vậy, việc giá vốn hàng bán tăng gần 18%, khiến cho hãng bay này rơi vào tình trạng kinh doanh dưới giá vốn, lỗ gộp trên 189 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lỗ này vẫn được cho là đã cải thiện đáng kể nếu so với mức lỗ gộp 1.077 tỷ đồng trong quý IV/2022.
Trong kỳ, chi phí tài chính vẫn là gánh nặng đối với hãng hàng không quốc gia. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính giảm đến 48%, chỉ còn 286 tỷ đồng. Chi phí tài chính dù đã giảm đến 35% nhưng vẫn ở mức cao, đến 747 tỷ đồng, trong đó, có đến 380 tỷ đồng là chi phí lãi vay.
Bên cạnh đó, chi phí bán hàng của doanh nghiệp này giảm 25%, còn 991 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 39%, với 573 tỷ đồng. Trong kỳ, Vietnam Airlines cũng có gần 11 tỷ đồng là phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết và có đến gần 362 tỷ đồng là thu nhập khác, tăng mạnh so với cùng kỳ.
Kết quả, Vietnam Airlines báo lỗ 1.982 tỷ đồng trong quý IV và đây cũng là quý thứ 16 liên tiếp doanh nghiệp này có mức lợi nhuận âm (từ quý I/2020 đến nay). Như vậy trong 4 năm qua, hãng hàng không quốc gia chưa hề được hưởng niềm vui có lãi.
Tính chung cả năm 2023, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu đạt 91.458 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái và đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong 4 năm vừa qua, tương đương 93% giai đoạn trước dịch bệnh (năm 2019).
Cả năm 2023 dù không còn phải kinh doanh dưới giá vốn nhưng do các loại chi phí vẫn ở mức cao khiến cho hãng hàng không này vẫn lỗ sau thuế 5.516 tỷ đồng, giảm lỗ trên 5.700 tỷ đồng so với năm 2022 (lỗ 11.223 tỷ đồng). Điểm tích cực có thể nhìn thấy, đây là mức lỗ thấp nhất của hãng hàng không quốc gia trong 4 năm qua.
Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2023, Vietnam Airlines có tổng tài sản 57.616 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm, trong đó chiếm đến gần 60% là tài sản cố định. Các khoản phải thu ngắn hạn ở hơn 6.053 tỷ đồng (tăng 23% so với đầu năm), hàng tồn kho còn 3.428 tỷ đồng (tăng 19%). Lượng tiền và các khoản tương đương tiền hầu như ít có sự biến động, đạt 2.554 tỷ đồng.
Nợ phải trả cuối kỳ là 74.561 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu là do khoản tăng của các khoản nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines ở cuối quý IV đang âm đến 16.945 tỷ đồng. Lỗ luỹ kế lên trên 40.956 tỷ đồng.
Dù tình hình kinh doanh được cải thiện hơn so với năm 2022, tuy nhiên mức tiền lương, thù lao của Hội đồng quản trị, Ban Kiểm sát, Ban điều hành vẫn không có sự thay đổi. Theo đó, Vietnam Airlines dành 12,9 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022 để chi trả lương, thù lao cho các lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, mức tăng này là do năm 2023 bổ sung thêm 2 Phó Tổng Giám đốc và 2 thành viên Ban Kiểm soát.
Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa và Tổng Giám đốc Lê Hồng Hà là 2 người nhận tổng tiền lương, thù lao cao nhất, lần lượt là 1,189 tỷ đồng và 1,183 tỷ đồng. 5 Phó Tổng Giám đốc Trịnh Ngọc Thành, Trịnh Hồng Quang, Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Cảnh, Nguyễn Thế Bảo cùng nhận tổng tiền lương, thù lao là hơn 951 triệu đồng.