Để người dân có một cái Tết bình an, an toàn, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các ngành đảm bảo trật tự giao thông. Trong đó việc đảm bảo người dân đi lại an toàn, thông suốt, không vi phạm dẫn tới phạt nguội luôn được chú trọng.
Chiều 1-2, Tuổi Trẻ Online có trao đổi với ông Đoàn Văn Tấn - giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh - về vấn đề này.
* Thưa ông, ông có thể nhận định về tình hình giao thông TP.HCM những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Đâu sẽ là thời điểm được dự báo căng thẳng nhất?
Ông Đoàn Văn Tấn: Qua giám sát camera, giao thông TP.HCM trong những ngày gần đây tương đối phức tạp. Tình trạng ùn xe xảy ra vào nhiều thời điểm trong ngày. Qua kinh nghiệm nhiều năm, thời điểm giao thông đột biến có thể đông và ùn tắc sẽ rơi vào khoảng ngày 26 - 27 tháng chạp.
Các tuyến đường đáng lưu ý như Hồng Hà, Bạch Đằng, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất; khu vực quanh bến xe Miền Tây, bến xe Miền Đông mới và ga Sài Gòn. Đây là những đường rất đông, đầu mối giao thông để người dân về quê.
Đặc biệt chúng tôi khá lưu ý phía đông TP.HCM. Ở đây có nút giao An Phú, lưu lượng đông, người dân đi qua đây để lên cao tốc về miền Trung. Nút giao này đang tổ chức thi công, phân luồng giao thông, do đó khả năng ùn ứ tại khu vực này rất lớn.
* Với nhận định như vậy, Trung tâm Quản lý điều hành giao thông thông minh đã có những phương án nào để ứng phó?
Hiện nay đối với khu vực trung tâm, qua các thiết bị đo đếm lưu lượng thì trung tâm chủ động chạy lại kịch bản cho phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Về phía cửa ngõ, chúng tôi rút camera thành các nhóm để anh em theo dõi, phát hiện kịp thời, phối hợp với các tổ phản ứng nhanh xử lý khi có sự cố, ùn ứ đi lại.
Trung tâm cũng tăng cường nhân sự để đảm bảo trực, đặc biệt là giai đoạn trước khi nghỉ Tết và khi người dân quay lại TP.HCM làm việc. Hiện nay, việc phối hợp giữa những tổ phản ứng nhanh rất hiệu quả. Các thông tin trung tâm phát hiện được đưa kịp thời đến kênh VOH. Từ đó cập nhật thường xuyên, đảm bảo để các bác tài nắm tình hình giao thông và chọn lộ trình, thời gian đi phù hợp.
Cụ thể hơn, hiện nay trên địa bàn TP.HCM có hơn 1.000 camera phân bổ trên các tuyến đường. Những giai đoạn này, các khu vực cần tập trung để theo dõi thì chúng tôi dùng phần mềm tập trung camera lại, đưa thành một nhóm để tiện giám sát, quản lý, điều tiết.
* Người dân về quê nghỉ Tết xong đường phố TP.HCM sẽ vắng vẻ, nhiều người dân thấy trống nên dễ vi phạm luật giao thông dẫn tới tai nạn nguy hiểm hoặc bị phạt nguội. Ông có những lời khuyên nào gửi tới người dân?
Những ngày Tết, trung tâm sẽ điều chỉnh lại hệ thống đèn, tổ tín hiệu cho thời lượng ngắn lại đảm bảo thời gian dừng chờ ít. Việc này giúp đi lại thông suốt hơn, tránh tâm lý người dân chờ đèn lâu quá mà thấy đường vắng thì họ vượt đèn.
Chúng tôi túc trực 24/7 để đảm bảo người dân có cái Tết an toàn, bình an.
Tôi mong người tham gia giao thông vì sức khỏe và tính mạng của mình cùng những người xung quanh hãy tuân thủ quy định khi tham gia giao thông. Việc mình vi phạm bị phạt nguội chỉ là sau đó nhưng trước mắt có thể gây tai nạn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tuân thủ luật giao thông để chúng ta có Tết trọn vẹn, vui vẻ bên gia đình, bạn bè sau một năm làm việc.
Chúng tôi chúc mọi người một năm mới bình an, mọi việc thuận lợi.
Toàn bộ camera đều kết nối với cảnh sát giao thông, đừng để bị phạt nguội
Hiện nay hơn 1.000 camera giám sát tại trung tâm được kết nối và chia sẻ cho Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TP.HCM, Thanh tra giao thông TP. Do đó các lực lượng có thể sử dụng hình ảnh ghi nhận, trích xuất xử phạt vi phạm hành chính. Dữ liệu còn được chia sẻ, kết nối trực tuyến để theo dõi "xe dù, bến cóc".
Sở Giao thông vận tải TP.HCM chuẩn bị nhiều phương án mới để dân đi lại thuận tiện, đường về quê ăn Tết thong thả hơn, hướng dẫn lộ trình người dân từ TP.HCM đi các tỉnh sao cho đỡ kẹt xe.