Tổng mức bán buôn hàng hóa giảm 9,3% so với tháng trước
Ngày 1/2, theo ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, kinh tế trong nước năm 2023 mặc dù có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều thách thức, hoạt động sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Do đó, sức mua, mức chi tiêu giảm.
Tuy nhiên, dự ước sức mua tại các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng dự kiến trong những ngày trước Tết Nguyên đán 2024 sẽ tăng so với ngày thường. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2024 ước đạt 11.029 tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở lĩnh vực thương mại hàng hóa, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 1 năm 2024 ước đạt 6.676 tỷ đồng, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, bán lẻ trong siêu thị và trung tâm thương mại ước đạt 654 tỷ đồng, tăng 18% so với tháng trước và tăng 17,98% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
So với tháng 12 năm 2023, có đến 9 trên 12 nhóm ngành có doanh thu bản lẻ hàng hỏa tăng, trong đó: lương thực, thực phẩm (+9,6%); hàng may mặc (+11,6%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+9,7%); phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) (+0,6%); xăng, dầu các loại (+4,5%); nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) (+5,1%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+3,0%); hàng hóa khác (+8,7%); sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (+16,5%).
Chiều ngược lại có 3 nhóm ngành có doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm so với tháng trước, gồm: nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục (-11,7%); gỗ và vật liệu xây dựng (-18,6%); ô tô các loại (-17,3%).
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu bán lẻ tháng 1/2024 ước tăng 20,2%, với 12/12 nhóm hàng có doanh thu tăng.
Cụ thể, nhóm lương thực thực phẩm (+6,1%), hàng may mặc (+21,8%); đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (+12,1%); vật phẩm văn hóa, giáo dục (+100,7%); gỗ và vật liệu xây dựng (+160,5%); ô tô các loại (+3,6%); phương tiện đi lại (trừ ô tô, kể cả phụ tùng) (+5,1%); xăng, dầu các loại (+16,3%); nhiên liệu khác (trừ xăng dầu) (+12,3%); đá quý, kim loại quý và sản phẩm (+44,3%); hàng hóa khác (+4,7%); sửa chữa xe có động cơ, mô tô, xe máy và xe có động cơ (+40,3%).
Nhìn chung, khó khăn của hoạt động bán buôn hàng hóa bị sụt giảm so với tháng trước vẫn chưa khắc phục được. Tổng mức bán buôn hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 12.626 tỷ đồng, giảm 9,3% so với tháng trước và tăng 33,6% so với tháng cùng kỳ năm trước.
So với tháng cùng kỳ năm 2023, 12/12 nhóm hàng đều có doanh thu bán buôn tăng, trong đó một số nhóm hàng có doanh thu tăng cao phải kể đến như: gỗ và vật liệu xây dựng (+122,7%); phân bón, thuốc trừ sâu (+123,2%); ô tô các loại (+105,5%).
Hoạt động du lịch là điểm sáng đầu năm
Năm 2024, ngành du lịch thành phố Đà Nẵng tập trung thực hiện có hiệu quả kế hoạch, đề án Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề án Phát triển kinh tế ban đêm và các đề án, kế hoạch trọng tâm đã được hành phố này phê duyệt theo lộ trình như hỗ trợ khởi công dự án dòng sông ánh sáng và bến thủy nội địa, khu tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, khu công viên văn hóa và vui chơi giải trí phía Đông Nam Đài tưởng niệm...
Dự ước tháng 1 năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.310 tỷ đồng, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 33,9% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú ước đạt 882 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 48,8% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ ăn uông ước đạt 1.428 tỷ đồng, tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 26,0% so với cùng kỳ.
Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ trong tháng 1 năm 2024 ước đạt 588 nghìn lượt, tăng 1,3% so với tháng trước và tăng 36,5% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 204 nghìn lượt, giảm 4,9% so với tháng trước và tăng 54,3% so với tháng cùng kỳ; khách du lịch trong nước ước đạt 384 nghìn lượt, tăng 4,9% so với tháng trước và tăng 28,5% so với tháng cùng kỳ năm 2023.
Số ngày lưu trú bình quân của khách ngủ qua đêm ước tỉnh tháng 1/2024 đạt 1,37 ngày/lượt, trong đó khách quốc tế là 1,59 ngày lượt; khách trong nước là 1,16 ngày/lượt (cùng kỳ năm 2023: 1,29 ngày/lượt đối với khách chung; 1,58 ngày lượt đối với khách quốc tế và 1,09 ngày lượt đối với khách trong nước).
Tổng số lượt khách do cơ sở lữ hành phục vụ tháng 1/2024 ước đạt gần 102 nghìn lượt, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 78,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khách quốc tế ước đạt 47 nghìn lượt, cao gấp 5,3 lần so với cùng kỳ; khách trong nước ước đạt 51 nghìn lượt, tăng 11% so với cùng kỳ, khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài đạt 3,7 nghìn lượt, tăng 65,4% so với cùng kỳ.
Doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác tháng 1 năm 2024 ước đạt 1.518 tỷ đồng, giảm 10,6% so với tháng trước và giảm 17,6% so với tháng cùng kỳ năm trước.
Trong đó, đa số các nhóm ngành dịch vụ có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm trước, gồm: dịch vụ hành chính và dịch vụ hỗ trợ (+7%); dịch vụ giáo dục và đào tạo (+30,9%); dịch vụ y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (+32%); dịch vụ nghệ thuật, vui chơi và giải trí (+15,5%).
Kinh doanh bất động sản giảm
Theo Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, mặc dù đa số các nhóm ngành dịch vụ thuộc nhóm dịch vụ tiêu dùng khác có doanh thu tăng so với cùng kỳ năm 2023, nhóm dịch vụ kinh doanh bất động sản tính cho tiêu dùng khác (chiếm tỷ trọng 6,7%) có doanh thu chỉ bằng 15,2% so với cùng kỳ, đã làm giảm đáng kể doanh thu của cả nhóm dịch vụ tiêu dùng khác.