ẤP Ủ KẾ HOẠCH MỞ TRƯỜNG DẠY TIẾNG NHẬT
Năm 2005, anh Nguyễn Duy Anh (H.Đông Anh, Hà Nội) học xong cấp 3, đăng ký thi vào Học viện An ninh nhưng không đậu. Được sự động viên và hướng dẫn của gia đình, anh sang học tại Học viện Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản từ tháng 4.2006. Sự thay đổi về ngôn ngữ, văn hóa một cách đột ngột khiến anh thanh niên 19 tuổi bị sốc.
Với mong muốn cải thiện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật nhanh hơn, anh Duy Anh xin đi làm thêm rửa chén ở quán ăn. Khi tự tin hơn về khả năng giao tiếp, anh xin làm thu ngân ở siêu thị. Hai năm sau đó, anh thi đậu ngành kinh tế Trường ĐH công lập Hyogo (TP.Kobe). Trong 7 năm, anh hoàn thành việc học với tấm bằng xuất sắc ở 3 trường: Học viện Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (tỉnh Fukuoka), Học viện EHLE (TP.Osaka) và ĐH công lập Hyogo (TP.Kobe).
Ra trường, anh Duy Anh làm việc ở Trường Nhật ngữ Osaka Minami, TP.Osaka. Công việc liên quan tới khối hành chính của trường này đã tạo điều kiện cho anh có thể giúp đỡ được nhiều du học sinh (HS). Với tư duy nhanh nhạy và biết nắm bắt cơ hội, anh đã nung nấu một ý tưởng khởi nghiệp vô cùng táo bạo: "Thành lập một ngôi trường của riêng anh, ngôi trường đầu tiên của người VN trên đất nước mặt trời mọc".
Anh Duy Anh tìm hiểu điều kiện thành lập trường, bao gồm cả đặt vấn đề với nơi mình đang làm việc về mở ngôi trường mới ở tỉnh Fukuoka. Các quy định về việc thành lập một cơ sở giáo dục ở Nhật rất khắt khe. Phải mất hơn 1 năm chuẩn bị, Trường học viện Nhật ngữ GAG (gọi tắt Trường Nhật ngữ GAG) thành lập, anh làm giám đốc điều hành. Khóa đầu tiên mở vào tháng 4.2015, trường đón nhận 50 học viên từ VN, Nepal, Mông Cổ…
Đảm nhận cương vị giám đốc điều hành tại ngôi trường được tạo nên từ tâm huyết của chính bản thân mình, thời gian đầu anh Duy Anh điều hành chung các công việc tại trường và phụ trách tuyển sinh các du HS quốc tế. Sau gần 10 năm, trường hiện có 360 HS từ 20 quốc gia, trong đó người VN chiếm hơn 50%, còn lại từ Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Sri Lanka, Bangladesh, Mông Cổ.
QUYẾT ĐỊNH MẠO HIỂM
Năm 2021, khi mới 35 tuổi, anh Duy Anh thử sức bản thân khi nộp đơn ứng tuyển vị trí hiệu trưởng. Tháng 5.2021, anh vượt qua 4 ứng viên có nhiều kinh nghiệm về quản lý giáo dục và trở thành Hiệu trưởng Trường Nhật ngữ GAG. "Làm hiệu trưởng một trường Nhật ngữ là quyết định mạo hiểm vì trước đó chưa có người Việt nào làm. Khi nhận quyết định, tôi chưa dám công bố với gia đình, bạn bè ở quê nhà mà tập trung lo cho HS", anh chia sẻ.
Giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, các nước đóng cửa biên giới, việc đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh. Nhận quyết định hiệu trưởng lại đúng vào thời điểm dịch bệnh, áp lực với anh Duy Anh tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, chuyến công tác về nước thăm gia đình ngay sau đó giúp anh có thêm trải nghiệm và hướng đi mới.
Trong thời gian này, nhiều phương pháp hoạt động mới được vị tân hiệu trưởng đưa ra áp dụng đã giúp trường vượt qua khó khăn. Trong thời gian dịch bệnh, nhiều chuyến bay bị cắt giảm hay hủy bỏ, thầy Duy Anh đã hướng dẫn các HS thay vì bay chuyến bay thẳng, thì đặt các chuyến bay nối chuyến, động viên các HS bay tới các thành phố khác nhau của Nhật Bản, sau đó các thầy cô sẽ tới tận nơi đón các em về Trường Nhật ngữ GAG để nhập học đúng tiến độ. Dịch bệnh khiến nhiều nơi đóng cửa, nhà trường thuê một số tòa nhà, khách sạn làm chỗ ở cho HS, điều này giúp Trường Nhật ngữ GAG vẫn có lượng HS đều đặn trong khi nhiều trường khác phải đóng cửa vì khó tuyển sinh.
Chia sẻ với PV Thanh Niên, anh Duy Anh cho biết áp lực đối với hiệu trưởng rất lớn, nhất là làm gương cho toàn thể giáo viên (GV), nhân viên trường. Người Nhật nổi tiếng với cường độ làm việc cao, nên hiệu trưởng cũng bị cuốn vào guồng quay đó với mức độ cao hơn. Chuyện đến sớm nhất trường, làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ đêm là chuyện bình thường.
Ở Nhật, việc hiệu trưởng ra cổng trường chào đón HS không phải chuyện lạ, đó cũng là cách để nhà trường hiểu HS hơn và tạo niềm tin, gắn kết với HS. "Mình chưa có nhiều kinh nghiệm thì không được giấu dốt, chuyện gì không hiểu thì phải hỏi, thậm chí cả cấp dưới của mình", anh Duy Anh nói. Nhân viên người Nhật có cái tôi cao, nên ở những quyết định quan trọng, anh vẫn phải giữ được cái uy của hiệu trưởng để đưa trường phát triển, nâng cao uy tín, vị thế của trường.
Với số lượng lớn HS đến từ VN, anh Duy Anh quyết định hằng năm đưa GV người Nhật qua VN du lịch để họ hiểu thêm về văn hóa, con người VN để về dạy học tốt hơn. Điều này giúp mối quan hệ giữa GV và HS gần gũi, bớt căng thẳng. Nhiều năm qua, Trường Nhật ngữ GAG không có GV bỏ dạy vì áp lực. Ngoài việc dạy tiếng, trường cũng thành lập công ty phát triển nguồn nhân lực để hỗ trợ HS học nghề, tìm việc làm hoặc học trình độ cao hơn.
Kỷ lục người mặc áo dài xếp hình bản đồ VN
Một trong những hoạt động thường niên nổi bật của Hội Người VN tại Fukuoka mỗi dịp tết đến xuân về là chương trình "Lễ hội tết VN tại Fukuoka - Xuân quê hương". Đây là cơ hội để những người con xa xứ sinh sống tại Nhật Bản gặp gỡ, giao lưu, cùng đón tết cổ truyền của dân tộc.
Với vai trò là Chủ tịch Hội Người VN tại Fukuoka, anh Duy Anh trăn trở làm điều gì đó mới mẻ, quy mô tương xứng với dấu mốc kỷ niệm 5 năm thành lập hội cũng như 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao VN - Nhật Bản. Sau đó, Hội Người VN tại Fukuoka trao đổi với Lãnh sự quán VN tại Fukuoka về ý tưởng lập kỷ lục xếp hình bản đồ VN mà người tham gia đều mặc áo dài. "Áo dài là trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ở VN, việc huy động 1.000 - 2.000 người mặc áo dài là bình thường; nhưng nếu làm được điều đó ở nước ngoài với sự tham gia của cả người Việt và người nước ngoài sẽ rất ý nghĩa", anh Duy Anh ấp ủ ý tưởng.
Trong khuôn khổ lễ hội Xuân quê hương 2024, Hội Người VN tại Fukuoka tổ chức tuần lễ thời trang áo dài, đặt 1.500 bộ áo từ VN gửi qua. Tất cả người tham dự đều được tặng một bộ áo dài, không phân biệt người VN, người Nhật hay các quốc tịch khác. Thông qua ngoại giao áo dài, mọi người biết đến đất nước, con người VN nhiều hơn.
Sáng 20.1 vừa qua, khu vực công viên Tenjin (TP.Fukuoka, Nhật Bản) nơi tổ chức lễ hội Xuân quê hương, đông nghẹt người. Đối với những người làm công tác tổ chức như anh Duy Anh, đây là một ngày đáng nhớ, hồi hộp đến phút chót vì thời tiết. Bởi lẽ sau khi nhận áo dài, trời mưa tầm tã, mọi người tản mác hết. Dự kiến, việc xếp hình bản đồ sẽ bắt đầu lúc 11 giờ nhưng mưa không ngớt nên ban tổ chức quyết định chờ đến 11 giờ 30, nếu trời chưa tạnh thì phải dời sang buổi chiều. "May sao gần đến "giờ vàng" thì trời tạnh, mọi người vừa xếp hình bản đồ, vừa hát quốc ca. Sau khi xác lập kỷ lục xong thì trời lại đổ mưa", anh Duy Anh kể lại.
Cùng ngày, Tổ chức Kỷ lục người Việt toàn cầu (VietWorld) xác lập kỷ lục "Sự kiện xếp hình bản đồ VN có số lượng kiều bào VN và người nước ngoài cùng mặc áo dài tham gia nhiều nhất" với 812 người tham gia. Chương trình Xuân quê hương ở Fukuoka cũng đang làm thủ tục để xác lập kỷ lục là chương trình tết của cộng đồng người VN lớn nhất thế giới theo các tiêu chí như số lượng gian hàng, số người tham dự, số lượng nghệ sĩ tham gia biểu diễn áo dài.
Cuối năm 2023, anh Nguyễn Duy Anh được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần vào việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa VN và Nhật Bản. Anh là một trong 4 người VN ở Nhật Bản được Bộ Ngoại giao tặng bằng khen. Riêng khu vực Kyushu có 2 người, gồm anh Duy Anh và giáo sư, tiến sĩ Trần Đăng Xuân ở ĐH Hiroshima.