Trong công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Giáp Thìn và lễ hội xuân 2024, Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, biến tướng, lệch chuẩn xã hội, lợi dụng các hoạt động tâm linh nhằm trục lợi, không để xảy ra hiện tượng đốt đồ mã vàng mã tràn lan gây tốn kém.
Yêu cầu việc quản lý và tổ chức các lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo phải theo đúng quy định của pháp luật.
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến từ các giới, với mong mỏi Tết này và mùa lễ hội không có các hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động dâng sao giải hạn không bị biến tướng...
* Đại đức Thích Nguyên Chính (phó chánh văn phòng I Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam):
Lễ cầu an trang nghiêm, tránh mê tín dị đoan
Để các chùa, cơ sở tự viện đáp ứng tốt nhu cầu của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn, ban thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa qua đã có thông bạch đề nghị các chùa tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tạo sự đồng thuận, hòa hợp, đoàn kết trong xã hội.
Giáo hội cũng đề nghị các chùa, cơ sở tự viện và tăng ni tổ chức các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của người dân dịp Tết phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung không phù hợp với truyền thống của Phật giáo.
Lưu ý các chùa trong công tác tổ chức nghi lễ cầu an này phải tránh cách dùng từ, thuật ngữ không đúng, gây hiểu sai cho người dân (như dâng sao giải hạn, gọi hồn, gọi vong, cúng oan gia trái chủ...). Tránh những yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh, không đúng với thuần phong mỹ tục và văn hóa truyền thống của dân tộc.
Cùng với đó, đề nghị tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền, tổ chức lễ cầu an online, kết nối rộng rãi với đồng bào phật tử, đem đến sự lạc quan, bình an cho nhân dân trong năm mới. Giáo hội cũng khuyến khích các chùa tham gia những việc làm xã hội có ý nghĩa như Tết trồng cây, tích cực tuyên truyền cho phật tử về các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông...
* GS.TS Đỗ Quang Hưng (chủ nhiệm hội đồng tư vấn tôn giáo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam):
Đừng chạy đua vào các hoạt động biến tướng
Ở Việt Nam những năm qua có hiện tượng lợi dụng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân để trục lợi, dẫn đến các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ diễn ra ào ạt, phản văn hóa tại một số cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo.
Tôi không muốn dùng chữ "bất thường", nhưng đúng là có những điều đáng quan ngại.
Trong khi xu thế tín ngưỡng và tôn giáo thế giới những năm gần đây là giảm bớt nghi lễ, hiện đại hóa và hợp lý hóa dần những sinh hoạt, thực hành tín ngưỡng và tôn giáo, đồng thời hướng nhiều vào việc thỏa mãn đời sống tâm linh của mỗi cá nhân một cách phong phú và lành mạnh, con người phải làm chủ bản thân.
Ở ta có hiệu ứng đám đông rất rõ, nhiều người dân không thấy được chủ thể của bản thân khi tham gia thực hành tín ngưỡng và tôn giáo, dẫn đến hiện tượng mê tín dị đoan có điều kiện phát triển. Con người tìm đến tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh để đánh thức tiềm năng sống vui vẻ, đầy năng lượng.
Mỗi người dân nên tự hỏi trước khi tham gia một hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng và tâm linh nào đó, mình có nhu cầu tham gia không? Có muốn được xả phóng tâm linh ở những chốn như vậy hay không? Cũng đừng kéo cả nhà, cả tập thể tham dự vào những nơi chốn tốn kém, chạy đua vào các hoạt động biến tướng, núp bóng tôn giáo, tín ngưỡng hay tâm linh.
Tâm thái tốt nhất vẫn là hãy lặng đi, hãy biết thức tỉnh với chính mình. Nếu hiểu vậy, xã hội sẽ êm đẹp, không "loạn" bởi những hành vi trục lợi niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; những kẻ muốn lợi dụng cũng không có cửa.
* TS Phạm Thị Thủy Chung (Viện nghiên cứu tôn giáo - Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam):
Nhiều người tìm đến tôn giáo để cầu tài cầu lộc
Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên không ít người tìm đến tín ngưỡng và tôn giáo "cầu may", "cầu tài cầu lộc".
Đó cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều người trục lợi, buôn thần bán thánh, dẫn đến biến tướng như mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ...
Bên cạnh việc thiếu nhận thức đúng đắn dẫn đến hiểu biết sai lệch, đức tin mù quáng của người dân, lý do của hiện trạng trên một phần đến từ sự thiếu kiểm soát và quản lý thực tiễn của cơ quan chức năng đối với các hoạt động tín ngưỡng và tôn giáo.
Nhà nước cần thường xuyên giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan, giáo dục cộng đồng, trang bị kiến thức về các giá trị văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững chung của xã hội và phát triển tín ngưỡng và tôn giáo một cách nhân văn.
Việc quản lý muốn hiệu quả cần có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo và cộng đồng chứ không phải sự áp đặt một chiều.
Để có một mùa lễ hội xuân, lễ hội tín ngưỡng và tôn giáo an vui, văn minh, người dân nên hiểu rằng không có tín ngưỡng và tôn giáo nào khuyến khích lòng tham của con người.
Việc thường xuyên nuôi dưỡng và chia sẻ năng lượng tích cực với mọi người xung quanh sẽ tạo nên một không khí an vui và hạnh phúc, mang lại hiệu quả cao trong công việc. Đây cũng chính là mục tiêu phổ quát mà mọi tín ngưỡng và tôn giáo đều hướng tới.
* Thượng tọa Thích Trí Chơn (trưởng Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo TP.HCM):
Sống thiện lành sẽ có bình an
Dân gian Việt Nam có từ "an lành". Muốn an là phải lành, sống cuộc đời thiện lành mình sẽ có bình an.
An mình mong cầu mà điều lành lại không thực hiện chính là mâu thuẫn ngay trong đức tin. Đầu năm người dân đi chùa cầu cúng khấn vái mà thiếu đức tin chân chính thì sẽ xảy ra nhiều điều bất cập.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chủ trương thống nhất là nhu cầu cầu an của phật tử là một nhu cầu thiết yếu và đúng, phù hợp với ý nguyện của con người.
Giáo hội chủ trương đến các chùa tổ chức pháp hội dược sư, cầu nguyện năm mới an lành cho mỗi người cũng như cộng đồng. Dược sư hiểu nôm na: sư là thầy, dược là phương thuốc, Đức Phật là một vị thầy ban thuốc cho con người để trị tâm bệnh. Tâm lành thì cuộc đời sẽ an lành.
Còn việc dâng sao giải hạn, xin xăm bói quẻ hoàn toàn không có trong đạo Phật, mà đó là tín ngưỡng dân gian, trùm lên bóng mờ của đạo Phật, để rồi người ta ngỡ như đi chùa lại xin xăm bói quẻ. Điều này cần có thời gian, có những khóa tập huấn, tuyên truyền những lời dạy của Đức Phật để phật tử hiểu rõ. Khi hiểu rõ, họ sẽ làm đúng.
Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan, trong năm 2024 tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về tín ngưỡng.
Văn bản này được đặt mục tiêu đưa các hoạt động tín ngưỡng lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, phát huy nguồn lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có biện pháp xử lý những hoạt động tín ngưỡng biến tướng, lệch chuẩn, trục lợi, mê tín dị đoan ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống, an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Không có thần, Phật nào "giải hạn" cho ta được
Là một phật tử, tôi hiểu rõ Phật không dạy cúng bái, cầu xin. Tất cả đều do duyên và nghiệp mà thành, ai gieo trồng mầm thiện sẽ gặt quả thiện và ngược lại.
Thầy tôi dạy rằng để tránh cho mình và gia đình những cái "hạn" thì chỉ có cách là chăm làm việc thiện, tránh làm việc ác, việc thiện lớn nhỏ đều làm, việc ác nhỏ cỡ nào cũng tránh. Chứ không có thần, Phật nào có thể vì lễ kêu cầu của ta mà "giải hạn" cho ta được.
Cho nên khi đọc công điện Thủ tướng chỉ đạo, tôi rất mừng. Tôi mong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ trở nên trang nghiêm hơn.
Phật tử Hồ Anh Tuấn (quận Đống Đa, Hà Nội)
* Nghệ sĩ Lệ Thủy:
Đi chùa không phải cầu những gì cao siêu
Hồi nhỏ nhà nghèo, má tôi bận túi bụi lo cho bầy con nên không có thời gian dẫn tụi tui đi chùa. Lớn lên đi hát, rong ruổi theo các đoàn cả tháng trời, cứ tới chùa nào ngày rằm hay mùng 1, bạn bè lại rủ viếng chùa.
Riết rồi cảm thấy đi chùa lòng mình cứ bình an, thanh thản. Và tự nhiên thích cảm giác được đến chùa. Sau này gia đình chúng tôi hình thành thói quen đi chùa. Đặc biệt vào các ngày Tết, đêm giao thừa và mùng 1 cả nhà đi mấy kiểng chùa.
Tôi nghĩ đi chùa là nét đẹp văn hóa người Việt. Mình đi chùa không phải cầu những gì cao siêu, chỉ khấn nguyện gia đình khỏe mạnh, bình an; đất nước, người người nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Quan trọng là mình thấy lòng rất bình yên, được lắng nghe những bài giảng hay, đạo lý làm người rất ý nghĩa của nhà Phật để áp dụng vào cuộc sống. Rất nhiều chuyến từ thiện chúng tôi phối hợp với các chùa và tôi nhìn thấy cái tâm của tăng ni trong việc giúp đời, giúp người.
* Nghệ sĩ Phượng Loan:
Phật luôn dạy mình sống nhân ái
Tôi là người theo đạo Phật và luôn tin tưởng những triết lý tốt đẹp của nhà Phật. Vì thương kính đạo Phật như thế nên trước sự xuất hiện ào ạt của những biến tướng, tệ nạn, mê tín dị đoan tôi cảm thấy rất buồn.
Nếu không mạnh tay bài trừ những tệ nạn này sẽ ảnh hưởng đến sự tôn kính, thiêng liêng của đạo Phật.
Phật luôn dạy mình sống nhân ái, yêu thương nhau, biết hướng thiện, hướng tới những điều đẹp đạo đẹp đời. Xin đừng lợi dụng đạo để trục lợi, có những hành vi tiêu cực. Tôi chỉ làm đúng những gì Phật dạy, ở đời có nhân quả.
Mình cứ sống tốt sẽ được hưởng phước lành. Còn làm toàn điều xấu mà cứ cúng, làm phép đủ các kiểu để cầu xin lợi lộc thì Phật trời nào mà chứng.
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) Ninh Thị Thu Hương đã ban hành văn bản gửi các sở ban ngành liên quan nêu rõ yêu cầu cần chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan.
Hàng ngàn người miền Tây đội nắng chen chúc nhích từng chút một trên các tuyến đường quốc lộ 91, tỉnh lộ để cúng chùa trong ngày rằm tháng giêng.