Trong khi đó, nhiều người lo ở các chợ lẻ cũng bày bán thực phẩm, bánh kẹo, mứt Tết không rõ nguồn gốc và hạn sử dụng.
Chợ tự phát bủa vây chợ đầu mối
Theo ghi nhận của chúng tôi, dọc đường vào các chợ đầu mối thực phẩm lớn của TP.HCM là Bình Điền (quận 8), Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Thủ Đức (TP Thủ Đức) bị bủa vây bởi đông đảo các điểm bán, nhộn nhịp không thua gì bên trong chợ.
Ông Lê Văn Tiển, giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, xác nhận có đến 127 điểm kinh doanh ăn theo chợ với lượng hàng 170 - 270 tấn/ngày đêm (tính luôn 7 kho lạnh). Theo ông Tiển, chợ đầu mối nhập trên dưới 5.000 con heo mỗi đêm, thịt heo vào chợ được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ nguồn gốc thông qua vòng đeo truy xuất, lấy mẫu kiểm nghiệm...
Trong khi đó, hàng trăm điểm bán thịt heo, rau củ ăn theo bao vây xung quanh chợ gần như không bị kiểm tra những vấn đề này. "Các điểm kinh doanh tự phát này ăn theo nên lấy thương hiệu là "thịt heo, rau củ chợ đầu mối Hóc Môn", nên nếu chất lượng hàng tại đây không đảm bảo thì chợ đầu mối bị vạ lây", ông Tiển bức xúc.
Tại khu vực chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, có cả chợ tự phát quy mô lớn hoạt động nhộn nhịp từ sáng đến trưa, kinh doanh đầy đủ mặt hàng. "Lượng hàng nhập chợ đạt trung bình 2.600 tấn/đêm, trong khi lượng hàng đưa về các điểm bán xung quanh chợ đã đạt khoảng 1.000 tấn khiến chúng tôi gặp khó trong công tác phối hợp quản lý và kiểm soát chất lượng hàng ra vào chợ" - ông Nguyễn Nhu, phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, nói.
Ông Phan Thành Tân, giám đốc chợ đầu mối Bình Điền, cũng cho biết việc kinh doanh tự phát, trái phép tại các tuyến đường xunh quanh chợ như Nguyễn Văn Linh, Quản Trọng Linh và các khu vực dân cư diễn ra rầm rộ vào cuối năm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tăng kiểm soát nhưng khó xử lý?
Trong khi đó, tình trạng kinh doanh bánh mứt "ba không" - không xuất xứ, không bao bì, không hạn sử dụng - cũng tràn lan ở các chợ truyền thống và chợ mạng. Tại một số chợ truyền thống cho thấy hầu hết các quầy sạp kinh doanh bánh kẹo, mứt đều đổ hàng hóa vào các bao tải lớn và bán xá, không có thông tin về hạn sử dụng và nguồn gốc hàng hóa.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Phạm Khánh Phong Lan - giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM - cho rằng việc xử lý dứt điểm các chợ tự phát xung quanh một số chợ đầu mối là việc không dễ và một mình cơ quan quản lý an toàn thực phẩm không thể làm được.
"Chúng tôi không đủ nhân lực và cũng không đủ khả năng, cơ sở để xử lý triệt để vì liên quan đến vấn đề lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, xuất xứ nguồn gốc... Do đó để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần phải có đội liên ngành, trong đó vai trò của chính quyền xã, phường là rất quan trọng", bà Lan nói.
Cũng theo bà Lan, sở đã yêu cầu ban quản lý các chợ và các đội phụ trách địa bàn siết chặt kiểm tra nguồn gốc hàng hóa, lấy mẫu kiểm nghiệm. Việc kiểm tra sẽ tập trung ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, các chợ đầu mối, siêu thị...
"Ngoài ra, sở còn bố trí các đội an toàn thực phẩm làm việc 24/24 giờ tại các chợ đầu mối để duy trì công tác kiểm tra, giám sát hàng ra vào chợ dịp Tết" - bà Lan nói và khuyến cáo người dân chỉ nên mua sắm thực phẩm tại cơ sở uy tín, có nguồn gốc.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, xác nhận tình trạng chợ tự phát đang hoạt động rầm rộ ở cả ba chợ đầu mối tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Theo ông Phương, TP nhiều lần chỉ đạo ra quân giải quyết chợ tự phát nhưng đâu vẫn vào đấy, do đó cần có giải pháp căn cơ hơn.
"Mới đây UBND TP ban hành quyết định thành lập tổ công tác với sự tham gia của nhiều sở ngành, địa phương nhằm tìm giải pháp giải quyết chợ tự phát. Ngoài ra, TP đang lên kế hoạch triển khai thí điểm mô hình kinh doanh thông minh, an toàn ở chợ đầu mối để nâng cao chất lượng hàng hóa tại đây", ông Phương nói.
Nếu như trước đây, các thực phẩm nhà làm được cho là an toàn thì hiện nay nhiều nơi gắn mác "nhà làm" để kinh doanh, mua bán với số lượng nhiều và quy mô lớn, không đăng ký theo quy định.