Thứ của Nga đáng sợ nhất đối với lính Ukraine
Người Nga "họ tấn công trực diện. Máy bay đang bay qua. Về cơ bản, họ có tất cả", Dmytro - một binh sĩ Vệ binh Quốc gia Ukraine thuộc Lữ đoàn Bureviy - cho biết khi chia sẻ quan điểm cá nhân về tiền tuyến trong cuộc phỏng vấn với CNN.
"Nhưng có lẽ tệ nhất là xe tăng. Khi họ bắn, bạn thậm chí còn không nghe thấy", anh nói. "Bạn có thể nghe thấy tiếng máy bay khi nó bay qua. Nhưng với một chiếc xe tăng, bạn đang ở trong vòng tay Chúa."
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Ukraine đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng thiết giáp Nga, loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 2.600 xe tăng chiến đấu chủ lực kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột và hàng trăm chiếc chỉ trong vài tháng qua; nhưng quân đội Nga vẫn tiếp tục đưa ra các phương án thay thế.
Mặt khác, theo tờ Business Insider, quân đội Ukraine gần đây đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược, đặc biệt khi sự hỗ trợ quan trọng từ Mỹ vẫn chưa được Quốc hội nước này thông qua.
Nazariy - một binh sĩ điều khiển máy bay không người lái của Ukraine - nói với CNN rằng: "Không có gì bí mật khi chúng tôi thiếu đạn pháo. Chúng tôi cố gắng làm việc hiệu quả và chính xác nhất có thể để đánh trúng hỏa lực của đối thủ."
Theo các quan chức Ukraine, ở một số khu vực, các cuộc tấn công của lực lượng Nga đã gia tăng trong thời gian qua. Họ cũng cho biết, các đội quân có thể tham gia tới 50 "cuộc đụng độ" mỗi ngày.
"Tình hình rất nóng và rất căng thẳng", Dmytro nói trong cuộc phỏng vấn với CNN và nói thêm: "Đối thủ có nhiều trang thiết bị và nhân lực hơn. Về cơ bản, mỗi ngày, họ đều cố gắng tấn công từ các vị trí của họ."
Theo Business Insider, quân đội Nga đang nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng cũng như tăng cường tuyển quân. Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng, ngoài việc thay thế số quân bị mất trong các trận chiến, Nga được cho là có thể chế tạo khoảng 100 xe tăng mỗi tháng.
Cơn khát đạn pháo tăng nhiệt
Ở một diễn biến khác, theo Business Insider, Ukraine đã không nhận được gói viện trợ quân sự mới từ Mỹ trong khoảng một tháng nay, và Lầu Năm Góc cho biết Mỹ không có khả năng sửa chữa số vũ khí mà họ đã gửi cho Ukraine.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Quốc hội [Mỹ] và kêu gọi viện trợ bổ sung càng sớm càng tốt", Thiếu tướng Patrick Ryder - thư ký báo chí Lầu Năm Góc - cho biết trong cuộc họp ngắn ngày 23/1.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết tại một sự kiện truyền thông vào ngày 16/1 có sự tham dự của Business Insider rằng, ông lo ngại việc thiếu sự hỗ trợ của phương Tây sẽ dẫn đến "rất nhiều người thiệt mạng và rất nhiều người bị thương".
Theo một số quan chức phương Tây, chiến thuật phòng thủ dù không mang lại những đột phá ấn tượng cho Ukraine như ở giai đoạn đầu cuộc chiến, nhưng có thể làm suy yếu khả năng chiến đấu của lực lượng Nga. Hiện Kiev đang xây dựng một số kho dự trữ vũ khí quan trọng trong những tháng gần đây để đảm bảo trang bị cho quân đội nước này. Nhưng điều này vẫn không thể bù đắp cho sự thiếu hụt đạn pháo.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Pevkur, quân đội Ukraine đang bắn ra trung bình chỉ bằng khoảng 1/3 số đạn pháo mà phía Nga sử dụng. Theo ước tính của phía Estonia, Moscow đang trên đà nhận được khoảng 4,5 triệu quả đạn pháo từ hoạt động sản xuất và cung cấp từ các đối tác bên ngoài.
Ông Pevkur dự đoán, giao tranh có thể giảm bớt trong một vài tháng tới và nhiều hoạt động tấn công sẽ tiếp tục diễn ra vào tháng 5 và tháng 6 khi mặt đất trở nên khô hơn. Đó cũng là lúc số phận về các khoản viện trợ của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) dành cho Kiev sẽ rõ ràng.
“Nếu đến lúc đó chúng ta không có giải pháp thì chắc chắn Ukraine sẽ vô cùng khó khăn để giữ vững vị trí của mình”, ông Pevkur cảnh báo.