Theo dự đoán được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) của WHO công bố ngày 1-2, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới vào năm 2022, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Con số này sẽ tăng 77% lên 35 triệu vào năm 2050.
Gánh nặng cho các nước kém phát triển
Tốc độ gia tăng bệnh ung thư sẽ mạnh nhất ở các nước phát triển trong 25 năm tới. Tuy nhiên ở các nước kém phát triển hơn, tỉ lệ ung thư cũng gia tăng ở mức đủ gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế các nước này.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, IARC dự đoán tỉ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.
"Tác động của sự gia tăng này sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có mức phát triển khác nhau. Những nước có ít nguồn lực nhất sẽ phải gánh chịu gánh nặng ung thư toàn cầu", tờ Fortune dẫn lời tiến sĩ Freddie Bray, lãnh đạo cơ quan giám sát ung thư tại IARC nhận định. Sự chênh lệch trong điều trị ung thư không chỉ giữa các khu vực có thu nhập thấp và cao, mà còn khác biệt trong từng quốc gia.
"Đây không chỉ là vấn đề tài nguyên mà còn là vấn đề ý chí chính trị", tiến sĩ Cary Adams, lãnh đạo Liên minh NGO quốc tế về kiểm soát ung thư, nhấn mạnh.
Ưng thư vú, ung thư phổi thống trị
Theo IARC, các loại ung thư phổ biến nhất năm 2022 là ung thư phổi (2,5 triệu ca mới), ung thư vú (2,3 triệu), ung thư đại trực tràng (1,9 triệu), ung thư tuyến tiền liệt (1,5 triệu), ung thư dạ dày (970.0000).
Ung thư phổi và ung thư vú là 2 loại ung thư chiếm đa số ngang nhau trong năm 2020. Tuy nhiên, tỉ lệ hút thuốc cao ở châu Á đã đẩy số ca ung thư phổi toàn cầu vượt ung thư vú vào năm 2022. Trong khi đó, ung thư vú vẫn là nguyên nhân gây ung thư phổ biến nhất cả hai giới ở đại đa số các quốc gia.
Đối với phụ nữ, ung thư vú là ung thư phổ biến nhất và gây tử vong cao nhất. Trong khi đó, "sát thủ" nguy hiểm nhất đối với nam giới là ung thư phổi.
Nhìn chung, ung thư phổi giết nhiều người nhất trong giai đoạn 2020 - 2022, khoảng 1,8 triệu, tiếp theo là ung thư đại tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày và ung thư vú.
Tại Mỹ, tỉ lệ tử vong do ung thư cũng dự kiến phá kỷ lục trong năm 2024. Trong dự báo mới đây, Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) dự đoán sẽ có đến 2 triệu ca ung thư được chẩn đoán trong năm nay.
Các yếu tố thúc đẩy ung thư
Một trong những điều đáng lo ngại nhất là độ tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư đang giảm dần. Năm 1995, 61% số ca chẩn đoán ung thư là ở những người từ 65 tuổi trở lên, nhưng đến năm 2020 tỉ lệ đó đã giảm xuống còn 58%.
Trong khi đó, tỉ lệ ung thư ở người trung niên và thanh niên đang gia tăng. Nhìn chung, những người dưới 50 tuổi là nhóm duy nhất chứng kiến sự gia tăng chẩn đoán ung thư từ năm 1995 đến năm 2020.
Đặc biệt, chẩn đoán ung thư đại trực tràng đang có xu hướng gia tăng ở những người dưới 50 tuổi. Theo ACS, các yếu tố lối sống phổ biến ở những người sinh từ năm 1950 trở về sau như béo phì, tiêu thụ nhiều thịt đã qua chế biến và rượu, ít hoạt động thể chất và ăn ít chất xơ cũng như hút thuốc, đang thúc đẩy sự thay đổi này.
Trong một nghiên cứu được công bố mới đây trên tờ Annals of Oncology, các nhà nghiên cứu Ý cũng đưa ra kết luận tương tự. Họ khẳng định béo phì và uống rượu đang góp phần làm tăng số người tử vong do ung thư đại trực tràng ở người trẻ tuổi. Theo dự đoán của nhóm này, tỉ lệ tử vong do ung thư ruột ở những người trẻ ở độ tuổi 25-49 sẽ lần đầu tiên gia tăng ở một số nước châu Âu.
Các nhà khoa học Australia đã tìm ra một loại protein trong hệ thống miễn dịch có thể điều chỉnh được để giúp điều trị ung thư đại trực tràng, hay còn gọi là ung thư ruột.