Các số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 đã hạ nhiệt xuống 4%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, một dấu hiệu khác cho thấy tình hình giá cả leo thang tại Mỹ đang dần được kiềm chế.
Theo Reuters, mặc dù áp lực lạm phát đã hạ nhiệt trong tháng 5, giá thực phẩm đã tăng nhẹ trở lại sau 2 tháng không đổi. Giá rau, trái cây, đồ uống không cồn và một số thực phẩm khác đã trở nên đắt đỏ hơn.
"Tôi thậm chí không thể mua một tá trứng như trước đây. Giá hiện giờ là 5 USD cho 12 quả trứng lớn. Quá đắt, nhất là khi bạn phải lo thực phẩm cho một gia đình 6 người trở lên", bà Yuvoakia Profit, người tiêu dùng Mỹ, nói.
"Một nửa số người tiêu dùng cho biết, chi phí mà họ phải bỏ ra cho thực phẩm đã tăng 6 - 7% so với cùng kỳ năm 2022. Lạm phát đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến người tiêu dùng", Giáo sư Jayson Lusk, Trưởng khoa Kinh tế Nông nghiệp, Đại học Purdue, cho hay.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: Xinhua)
Đáng chú ý, chỉ số CPI cốt lõi, không bao gồm các mặt hàng dễ biến động như năng lượng và thực phẩm, vẫn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, không thay đổi nhiều so với các tháng trước. Các chuyên gia cảnh báo, điều này cho thấy áp lực giá cả vẫn còn đáng kể với người dân Mỹ, đặc biệt là các hạng mục có xu hướng cao dai dẳng như chi phí nhà ở hay ô tô.
Áp lực chi phí cũng đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ.
"Các chi phí sinh hoạt và kinh doanh đều tăng lên. Xăng tăng, bảo hiểm tăng, tiền thuê nhà tăng. Tôi cũng nhận thấy nhiều người bắt đầu mất việc. Chúng tôi đang ở trong một tình thế khó khăn", chị Carolina Gardner, chủ doanh nghiệp nhỏ, cho biết.
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tiền lương trung bình của người lao động Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 0,3% so với hồi tháng 4 và vượt qua tốc độ lạm phát lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua. Điều này có thể là tin vui cho người lao động, nhưng sẽ khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đối mặt với tình huống phức tạp hơn, khi vòng xoáy giá cả, tiền lương khiến lạm phát cao trở nên dai dẳng.
Những số liệu về sản xuất và lạm phát sẽ là căn cứ quan trọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đưa ra quyết định lãi suất vào rạng sáng 15/6 theo giờ Việt Nam. Theo các chuyên gia, mặc dù CPI của Mỹ vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2%, nhiều khả năng FED sẽ tạm ngừng tăng lãi suất trong tháng 6 để giảm áp lực lên nền kinh tế vốn đang đứng trước nguy cơ suy thoái.
VTV.vn - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 5 ghi nhận mức tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với tháng trước, trùng với dự báo của giới phân tích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.55875200051603202-teihn-ah-tahp-mal-pahc-tab-oac-nav-ym-iat-aoh-gnah-aig/et-hnik/nv.vtv