Những bàn tay "nhúng chàm"
Về diễn biến hành vi phạm tội của Đoàn thanh tra tại Ngân hàng SCB năm 2017 - 2018 do Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng chủ trì tiến hành và ban hành Kết luận thanh tra. Trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng triển khai 3 Đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với Ngân hàng SCB. Trong đó, thanh tra Ngân hàng SCB năm 2017 - 2018 do Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng) chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ... gọi là Đoàn thanh tra liên ngành năm 2017 - 2018.
Trong 3 Đoàn thanh tra, thì Đoàn thanh tra liên ngành (có Thanh tra Chính phủ) có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện đối với Ngân hàng SCB, kết quả thanh tra là cơ sở đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu, cơ cấu nợ của Ngân hàng SCB theo Kế hoạch tái cơ cấu giai đoạn 2015 - 2019, tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại Ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có các giải pháp, biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại Ngân hàng SCB, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra đã có sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB, bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra cho Ngân hàng Nhà nước, để Ngân hàng Nhà nước không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của Ngân hàng SCB, ngăn chặn hành vi phạm tội của Trương Mỹ Lan và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng SCB.
Như vậy, theo Quyết định thành lập Đoàn thanh tra liên ngành, có 18 thành viên, do Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (9 thành viên), Kiểm toán Nhà nước (2 thành viên), Thanh tra Chính phủ (4 thành viên), Ủy ban giám sát tài chính quốc gia (3 thành viên). Đoàn thanh tra liên ngành chia làm 5 tổ, trong đó Tổ 4 bao gồm: Trần Văn Tuấn, Thanh tra viên chính, Trưởng phòng Nghiệp vụ 2, Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ II), Thanh tra Chính phủ là Tổ trưởng; Trương Việt Hưng, Nguyễn Duy Phương, Nguyễn Hà Linh, Thanh tra viên Vụ II, Thanh tra Chính phủ là thành viên, tiến hành thanh tra Ngân hàng SCB Chi nhánh Chợ Lớn (thanh tra về tình hình tài chính của Công ty Thuận Tài Tài và một số vấn đề chung liên quan đến Dự án Chợ Vải); Chi nhánh Tân Bình, Tân Định; Chi nhánh Hà nội (thanh tra việc cấp tín dụng đối với các khách hàng mới).
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Không những bao che sai phạm, báo cáo sai sự thật, mà cố tình để cho những sai phạm gây hậu quả nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đã dẫn đến hậu quả cực lớn, dư luận cho rằng "đó là tội ác". Do vậy, theo Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, bên cạnh bà Đỗ Thị Nhàn (nguyên Cục trưởng Cục Thanh tra Giám sát ngân hàng) và các bị can khác phạm tội để nhận hàng triệu USD "Nhận hối lộ", thì có các cựu Thanh tra Chính phủ cũng "nhúng chàm".
Bị can Trần Văn Tuấn là Tổ trưởng Tổ thanh tra số 4 (Đợt 1), thành viên Tổ 1 (Đợt 2), chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn và người ra Quyết định thanh tra Nguyễn Văn Hưng (sau này là Nguyễn Văn Du). Việc thanh tra Đợt 1, Trần Văn Tuấn chịu trách nhiệm chỉ đạo các thành viên Tổ 4 tiến hành thanh tra và tổng hợp chung về kết quả thanh tra đối với Phương án Chợ Vải (tại chinh nhánh Chợ Lớn). Tuấn thừa nhận kết quả thanh tra của Tổ 4 đã xác định, làm rõ được việc cho vay 18 khách hàng thuộc Phương án Chợ Vải có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, về điều kiện vay vốn, thẩm định, xét duyệt cho vay, mục đích sử dụng vốn vay, kiểm tra, sử dụng vốn vay, giá trị tài sản đảm bảo, nguồn tiền trả nợ... Việc cho vay chỉ là hình thức về mặt hồ sơ, bản chất là đảo nợ, để xử lý kỹ thuật cho các khoản vay, khoản tồn tại cũ, chưa tuân thủ, thực hiện đúng về yêu cầu, điều kiện cho vay, giải ngân theo Kế hoạch tái cơ cấu đối với Phương án, dự án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Tuy nhiên, Trần Văn Tuấn đã không báo cáo đúng, đủ, trung thực, khách quan sai phạm nghiêm trọng của Phương án Chợ Vải và không kiến nghị xử lý đúng đối với sai phạm của Dự án này.
Đối với Đợt 2, Trần Văn Tuấn ký biên bản họp Đoàn thanh tra ngày 17/4/2018 thống nhất điều chỉnh thu hẹp thời kỳ, phạm vi thanh tra. Đồng thời, Trần Văn Tuấn được phân công tổng hợp kết quả thanh tra của Tổ 3, thống nhất với kết quả điều chỉnh, thay đổi kết quả thanh tra của Tổ 3, không đề xuất chuyển sai phạm của nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai cho Cơ quan điều tra, mà yêu cầu SCB tự rà soát, nếu phát hiện vi phạm thì chuyển cơ quan chức năng xử lý.
Còn đối với bị can Trương Việt Hưng, là thành viên Tổ thanh tra số 4 do Trần Văn Tuấn là Tổ trưởng. Được Tuấn phân công kiểm tra 6 khoản nợ tồn tại trước đó và 4/18 khách hàng của Phương án Chợ Vải. Hưng đã báo cáo sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB, kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra để tiếp tục làm rõ, nhưng sau đó Hưng thay đổi quan điểm không kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra tại Báo cáo chỉnh sửa của Tổ 3 ngày 01/6/2018 và Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra ngày 11/6/2018.
Nguyễn Duy Phương cũng là thành viên Tổ thanh tra số 4 do Trần Văn Tuấn là Tổ trưởng. Phương trực tiếp kiểm tra 9 khoản vay... phát hiện sai phạm. Nguyễn Duy Phương có báo cáo, đề xuất (nhưng là bằng miệng, không bằng văn bản) là yêu cầu Ngân hàng SCB cung cấp hồ sơ thực hiện dự án, hồ sơ giải ngân, hồ sơ sử dụng vốn vay và đi kiểm tra thực tế các dự án nhằm mục đích để xác định các dự án được sử dụng làm phương án vay vốn có thật không. Nếu được đi xác minh, trong trường hợp phát hiện các dự án không được triển khai, là "ảo", không có thật thì quan điểm cá nhân Phương là có dấu hiệu rút vốn, chiếm đoạt tiền ngân hàng sẽ chuyển Cơ quan điều tra xem xét mặc dù các khoản vay này đã tất toán. Nhưng sau đó, Phương không thực hiện các nội dung này; không kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra xử lý tại báo cáo Tổ thanh tra số 2 và Báo cáo đoàn ngày 11/6/2018.
Cũng tham gia vào Tổ 4, Tổ trưởng là Trần Văn Tuấn, bị can Nguyễn Hà Linh cũng là Thanh tra viên Thanh tra Chính phủ được giao nhiệm vụ thanh tra các trình tự, thủ tục liên quan đến việc thực Đề án tái cơ cấu đối với Dự án Chợ Vải và các khoản vay đối với khách hàng thông thường (12 công ty và 13 cá nhân) tại Ngân hàng SCB Chi nhánh Chợ Lớn, Tân Định và Hà Nội. Linh phát hiện sai phạm ngay từ đầu khi tiến hành thanh tra, nhưng lại tham gia ký biên bản chỉnh sửa sai phạm theo hướng giảm nhẹ... Đến giai đoạn 2, Nguyễn Hà Linh cũng tiếp tục phát hiện hàng loạt sai phạm tại SCB, nhưng cũng ghi "nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật đề nghị chuyển cơ quan chức năng xem xét xử lý”.
(Còn tiếp...)