Chiều 2-2, ông Lê Đức Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ, trình Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ chế chính sách đặc thù với cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Dự án hạ tầng giao thông lớn nhất tại Quảng Trị
Tháng 12-2023, Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận quy mô đầu tư dự án 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền 24,75m, tốc độ thiết kế 100km/h, tổng mức đầu tư 14.187 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước tham gia hỗ trợ vào dự án 70%, thời gian hoàn vốn là 28,5 năm.
Tuy nhiên, theo điều 69 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thì tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP không vượt quá 50%. Do đó, tỉnh đang trình trung ương đề xuất cơ chế đặc thù với dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
"Đây là tuyến trục ngang quan trọng của quốc gia kết nối vùng Trung Bộ quốc tế theo hướng đông tây, theo quy hoạch hệ thống cao tốc toàn quốc phải đầu tư hoàn thành trước năm 2030.
Với quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh thì vốn nhà nước tham gia vào dự án ở mức 70%. Vì vậy, tỉnh báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội cho cơ chế đặc thù", ông Lê Đức Tiến cho hay.
Nếu được thông qua, đây sẽ là dự án cao tốc PPP thứ 2 được áp dụng cơ chế này.
Trước đó, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng - Lạng Sơn) theo phương thức PPP được Quốc hội áp dụng thí điểm nhà nước đầu tư 70%.
Dự án có điểm đầu tại km12+50 cao tốc Cam Lộ - La Sơn (huyện Triệu Phong) và điểm cuối tại vị trí giao giữa đường Trần Phú và quốc lộ 9 (cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, huyện Hướng Hóa), dài khoảng 56km. Cao tốc đi qua các huyện Triệu Phong, Cam Lộ, Đakrông, Hướng Hóa.
Cao tốc kết nối đông - tây, bắc - nam
Trước quy mô, tầm quan trọng của dự án, Tỉnh ủy Quảng Trị đưa dự án vào danh mục các dự án trọng điểm. Tỉnh cũng thành lập Ban chỉ đạo dự án do đích thân bí thư Tỉnh ủy đứng đầu để trực tiếp đôn đốc, kiểm tra thực hiện dự án, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư.
Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo chạy hướng đông - tây, cùng với cao tốc Bắc - Nam đang xây dựng sẽ hình thành hai trục vuông góc kết nối cả nước với khu vực. Tuyến cao tốc sẽ trở thành điểm đầu của Hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC) là con đường ngắn nhất kết nối 2 thị trường lớn Trung Quốc và Ấn Độ, chiếm đến gần một nửa dân số thế giới.
Dự báo giai đoạn 2021-2025 đến năm 2030, hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, hàng quá cảnh sẽ tăng cao, lượng phương tiện về cửa khẩu mỗi ngày từ 550 - 600 lượt (trong đó khoảng 450 - 500 xe container).
Ngoài kết nối quốc tế, dự án sẽ rút ngắn hơn 25km và tốc độ khai thác 100km/h rút ngắn hành trình một giờ so với quốc lộ 9 hiện tại. Dự án cũng góp phần giảm tai nạn giao thông, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương.
Cao tốc này sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 9, rút ngắn quãng đường và thời gian kết nối cửa khẩu ở miền núi với cảng biển, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
TTO - Tuyến đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (CT.19) dài 70km đã được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch đầu tư giai đoạn trước năm 2030 để thay thế quốc lộ 9 hiện tại.