Căng thẳng khi bị delay quá lâu
Loạt chuyến bay của các hãng bay khởi hành từ Tân Sơn Nhất đi Hà Nội và sân bay miền Trung như Vinh, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế... không thể khởi hành đúng giờ. Thống kê của Vietnam Airlines sáng 2-2 có 30 chuyến bay của hãng bị ảnh hưởng. Trong khi các hãng khác chưa đưa con số cụ thể.
Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, Tuổi Trẻ Online ghi nhận tình trạng quá tải ở khu vực chờ ra cửa máy bay ga nội địa. Không đủ ghế ngồi, nhiều người ngồi bệt dưới sàn, kê ba lô ngủ vì mệt mỏi do chuyến bay delay kéo dài.
Ở quầy đại diện hãng, rất đông khách "vây" đòi quyền lợi khi bị thông báo delay kéo dài từ sáng tới đêm.
"Delay 1 lần, 2 lần với lý do thời tiết có thể thông cảm. Cũng chuyến TP.HCM đi Hải Phòng buổi sáng, tại sao có hãng đã bay được, bạn tôi đã hạ cánh lúc 10h. Còn tôi cùng chặng bay đi lại delay tới đêm. Không thể đổ thừa "ông trời" mãi vậy được" - hành khách to tiếng như vậy tại quầy đại diện một hãng hàng không.
Cùng với đó, nhiều khách các chuyến bay bị ảnh hưởng như Vinh, Hải Phòng cũng tập trung đông, yêu cầu hãng giải quyết.
Hành khách Đinh Gia Linh, chuyến bay QH1152, ấm ức khi bị delay từ sáng tới đêm chặng TP.HCM - Vinh vì giờ ra máy bay 6h40 ngày 2-2 bị lùi tới 19h cùng ngày, tức chậm hơn 12 tiếng.
Theo chị Gia Linh, chưa khi nào chị gặp phải chuyến bay chậm giờ quá lâu như vậy. Hành trình đi về Tết của chị mất vui khi ở sân bay chịu cảnh đông đúc, rất mệt mỏi chờ tới giờ bay mới. Chị bày tỏ khá lo lắng 19h chưa chắc đã là giờ khởi hành cuối cùng. Các quầy đại diện của hãng bay khác như Vietnam Airlines, Vietjet, Vietravel Airlines, Pacific Airlines khách tới hỏi đổi chuyến khi bị delay "liên tù tì".
Giám sát chặt nghĩa vụ hãng bay với khách bị delay
Tuổi Trẻ Online ghi nhận nhiều trường hợp khách phản ứng với đại diện hãng bay về cách giải quyết chuyến bay delay và việc bồi thường thiệt hại. Anh T. (quê Hải Phòng) không đồng ý phương án bồi thường delay chuyến bay gần 10 tiếng bằng voucher của hãng đưa ra có trị giá 400.000 đồng.
Đáng chú ý, voucher này chỉ sử dụng dịch vụ của hãng như đặt vé, mua vị trí ghế, hành lý ký gửi... không quy đổi tiền mặt để sử dụng dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi. Do đó, anh T. không đồng ý nhưng nhân viên hãng giải thích "không có phương án nào khác".
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một hãng hàng không cho biết với chuyến bay bị ảnh hưởng sương mù sáng nay, hãng được miễn trừ trách nhiệm cho đến khi thời tiết ổn định. Tuy nhiên, với các chuyến bay chậm quá 5 giờ trở lên trong sáng 2-2, hãng bay thực hiện việc chi trả bồi thường theo quy định thông tư 19.
Một hãng khác cho biết thông thường hãng trả tiền mặt hoặc thỏa thuận voucher sử dụng dịch vụ. Nhưng giá trị voucher, theo hãng, gấp 1,5 lần so với tiền mặt. Việc chi trả voucher phải được thỏa thuận, nếu khách không đồng ý phải trả tiền mặt.
Về giám sát các chuyến bay bị ảnh hưởng chậm chuyến, Tuổi Trẻ Online liên hệ với lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam. Vị này cho biết đã báo cáo với Cục Hàng không Việt Nam điều chỉnh lịch bay phù hợp với thời tiết trong vài ngày tới.
Đồng thời, cảng vụ yêu cầu các hãng thực hiện nghiêm quy định về bồi thường thiệt hại cho khách. Trước ảnh hưởng các chuyến bay delay trong mùa cao điểm Tết, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho biết ngay chiều nay sẽ họp các đơn vị, triển khai ứng phó tình hình thời tiết ảnh hưởng đến lịch bay.
Thông tư 19 của Bộ GTVT xác định chuyến bay bị chậm (delay) là chuyến bay có thời gian khởi hành thực tế muộn trên 15 phút so với thời gian khởi hành theo kế hoạch trong lịch bay.
Trường hợp chuyến bay bị chậm không phải do lỗi của hành khách, hãng bay có nghĩa vụ cập nhật đầy đủ thông tin; xin lỗi hành khách; bảo đảm việc ăn, nghỉ, đi lại và chịu các chi phí khác phù hợp với thời gian chờ đợi tại sân bay.
Trường hợp chuyến bay bị chậm do lỗi của hãng, ngoài các nghĩa vụ nêu trên, hãng bay phải cho hành khách đổi hành trình hoặc đổi chuyến khác trong trường hợp chuyến bay chậm từ 2 giờ trở lên (miễn trừ các khoản phụ thu và các điều kiện hạn chế về chuyển đổi).
Đối với chuyến bay chậm từ 5 giờ trở lên, nếu hành khách yêu cầu hoàn trả tiền vé, hãng bay phải hoàn trả toàn bộ tiền vé hoặc hoàn trả tiền phần vé chưa sử dụng theo sự lựa chọn của hành khách. Việc hoàn trả được thực hiện tại sân bay hoặc văn phòng đại diện, chi nhánh do hãng chỉ định.
Dưới đây là hình ảnh Tuổi Trẻ Online ghi nhận tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 2-2 (nhằm 23 tháng chạp).
Việc thay đổi giờ bay trong dịp Tết sẽ không tránh khỏi ở các hãng bay khi tần suất chuyến bay đẩy lên cao, khai thác trải dài từ sáng tới đêm. Làm gì để bớt phiền toái khi xảy ra điệp khúc chậm chuyến và "mong khách thông cảm"?