Chiều 2-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp thứ 7 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
100% địa phương đã sắp xếp tổ chức bên trong
Năm qua công tác cải cách hành chính đã có những chuyển biến rất tích cực, toàn diện, Thủ tướng chỉ ra các kết quả đạt được.
Đó là việc nhiều văn bản, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành, góp phần tháo gỡ các nút thắt và thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình cải cách hành chính, như: Luật Căn cước, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản.
Một số chính sách đặc thù phát triển lĩnh vực, địa phương đã được thông qua như chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, chính sách thí điểm về xây dựng công trình giao thông…
Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 628 quy định kinh doanh; chất lượng giải quyết thủ tục có nhiều cải thiện; 100% các địa phương đã hoàn thành việc rà soát, sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ngành…
Các cơ quan đã ban hành quy định mới về kiểm định chất lượng đầu vào công chức; về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài; bỏ thi thăng hạng viên chức…
Cải cách tài chính công được quan tâm. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước vượt khoảng 8,12% dự toán, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 194.000 tỉ đồng; tiết kiệm 560.000 tỉ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong ba năm 2024 - 2026…
Bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết
Nhấn mạnh đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu cần cải cách trên cả sáu lĩnh vực. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho sản xuất, kinh doanh. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền; giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào.
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng văn hóa công sở, đạo đức, trách nhiệm của người thực thi công vụ.
Trong cải cách tài chính công cần tập trung tăng thu, giảm chi thường xuyên; cơ cấu lại theo hướng tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện tài chính công.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, không phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các loại chứng chỉ không cần thiết, thu gọn các loại chứng chỉ trùng lặp về nội dung. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Đặc biệt, ông đề nghị tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong gắn với tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã vào quý 3-2024.
Cả nước tinh giản biên chế 84.140 người
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 144 quy định kinh doanh. Tổng số quy định kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa từ năm 2021 đến nay là 2.770 quy định.
Có 147 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư được thực hiện đơn giản hóa đạt 49,26%.
Về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành, dự kiến đến hết năm nay còn 895 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 140 đơn vị so với năm 2021; tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập đạt khoảng 63%.
Các địa phương đã tập trung triển khai việc rà soát, sắp xếp tổ chức hành chính bên trong, theo đó giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND tỉnh; giảm 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn.
Về quản lý và tinh giản biên chế, thực hiện các nghị định của Chính phủ, từ năm 2015 đến ngày 15-12-2023, cả nước tinh giản biên chế 84.140 người. Trong đó ở trung ương là 5.740 người, địa phương là 78.400 người.
Chiều 14-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ - chủ trì phiên họp thứ sáu.