Người Nguồn vùng núi phía tây Quảng Bình này vốn có ngôn ngữ riêng. Qua bao trăm năm chia cách bởi núi non hiểm trở, ngay cả người ở những thôn khác nhau trong cùng xã Tân Hóa cũng phân hóa nhiều âm khác nhau.
Khi họ nói tiếng phổ thông cũng lơ lớ chất giọng người Nguồn pha với tiếng vùng Bắc Trung Bộ, người ở các vùng khác tới mới lần đầu khi giao tiếp thường chỉ... cười trừ vì không hiểu hết.
Phối hợp giáo dục giữ hình ảnh đẹp
"Mình thì nói nặng, họ thì nói nhanh. Nói qua nói lại một hồi mới hiểu. Khó quá thì cười trừ" - anh Trần Xuân Thông, chủ homestay Thông Liệp, nhoẻn miệng cười kể.
Có lẽ chính nụ cười chất phác hồn hậu của anh Thông cũng như từ trẻ đến già trên các nẻo đường ở Tân Hóa chính là điểm cảm mến du khách nhất. Đây cũng là điều địa phương cố gắng giữ gìn trong quá trình phát triển du lịch bền vững.
"Khách Việt vùng khác tới nói qua lại lâu, chớ Tây thì dễ. Bằng Google dịch trên điện thoại đó. Cần chi đưa điện thoại ra là được", anh Thông lại cười nói như khoe. Nửa năm làm homestay, anh cũng cố gắng nhờ công ty du lịch, con cháu bày cho cách xài thêm nhiều chức năng trên điện thoại.
"Hồi xưa mình cũng chỉ học tới lớp 9 rồi nghỉ theo đuôi trâu. Đầu mình chừ mà bắt đi học ngoại ngữ nữa thì học răng vô nổi. Trao đổi qua điện thoại rứa mà khách cũng có vẻ thích thú lắm. Cái chi mình không hiểu thì cười cười là họ biết mình không hiểu rồi, họ sẽ tìm cách hỏi kiểu khác để dịch qua điện thoại", anh Thông thật thà.
Không chỉ trong từng gia đình, mà gần như cả làng Tân Hóa giờ cùng động viên, hỗ trợ nhau làm du lịch.
Người Tân Hóa có nhiều hội để sinh hoạt, đặc biệt nhất là "hội đồng niên", từ già đến trẻ cứ người chênh nhau 3 tuổi thì lập một hội. Hội có tiền quỹ, một năm đóng một lần. Hồi xưa chủ yếu là ai bán trâu, bán bò thì có tiền góp hội.
"Chừ thì nhiều thanh niên đi làm ăn xa, mỗi năm Tết về góp quỹ. Quỹ ni là để nhà ai có việc thì trong hội phân công giúp đỡ nhau, như sửa nhà, sửa chuồng trâu chuồng bò, tặng quà đám tiệc...
Một năm ngoài mấy lễ hội truyền thống thì hội đồng niên họp một lần. Lúc nớ mới uống với nhau ly rượu, chớ bình thường thanh niên gặp nhau chủ yếu uống chè xanh, nướng củ sắn nói chuyện chơi chớ ít tụ tập ăn nhậu lắm" - anh Trương Văn Binh, nhà ở thôn Hai, kể khi ngồi cùng hơn mười thanh niên là porter (người khuân vác hành lý cho khách - PV) bên ấm chè xanh, sau một ngày họ đưa khách đi thám hiểm hang động.
Câu chuyện của họ rồi cũng xoay quanh việc làm sao để giữ đường làng không có rác, hôm nay dẫn khách đi hang động có khó khăn gì... và nhắc nhở nhau lúc nào cũng phải cười với khách.
Ông Nguyễn Châu Á - giám đốc Công ty Oxalis - cho biết đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền và còn rất nhiều việc để phát triển du lịch thích ứng biến đổi thời tiết, hướng đến sự phát triển xanh bền vững tại Tân Hóa, nhưng quan trọng nhất là giữ được thái độ của người dân khi du lịch phát triển: "Trước hết là phải giữ được nụ cười, sự hồn nhiên chất phác của người dân trước du khách.
Chúng tôi đã cùng phối hợp với địa phương đưa vào nhà trường từ cấp tiểu học những bài học về ứng xử, như trẻ em biết lễ phép chào hỏi người lạ, không được xin tiền của du khách...
Ngay cả khách đến với Tân Hóa cũng được chúng tôi dặn dò rất kỹ về tiền tip (tiền thưởng cho phục vụ - PV).
Chẳng hạn nếu muốn tip cho porter thì liên hệ với người điều hành để có cách xử lý, chia đều. Nếu không kỹ lưỡng ngay từ đầu, khi phát triển hơn nữa thì tập tính người dân rất dễ bị biến đổi, nảy sinh nhiều hệ lụy ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch thân thiện".
Liên kết thêm để không bị áp lực sức chứa
Chỉ trong tháng 12-2023, số tiền người dân Tân Hóa thu về từ du lịch là hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, chi phí dịch vụ ăn tối tại nhà trả cho 10 hộ dân là 123 triệu đồng, trung bình 1 hộ được hơn 12 triệu.
Chi phí homestay 10 hộ là 71 triệu đồng. Lương của 82 porter người địa phương là 547 triệu đồng. Và chi phí thực phẩm sạch mua lại từ Tân Hóa là hơn 400 triệu đồng.
Ông Đặng Đông Hà, phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, cho biết khách đã đến đây nhiều hơn sau khi trở thành Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.
Để đạt được điều này, Tân Hóa đã được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) chấm đạt 12/17 tiêu chí về mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.
Khi nhận giải, địa phương cũng có những cam kết đi kèm để phát triển bền vững. Như về không gian thì có định hướng quy hoạch chi tiết những khu vực không được phép xây dựng làm phá vỡ cảnh quan, chỗ nào được phép xây dựng công trình nhưng phải phù hợp...
Chính quyền cũng đã đầu tư hệ thống hạ tầng như khu chống lũ, đường sá cầu cống, đường điện chiếu sáng thuận tiện đi lại phục vụ đời sống người dân, cũng như tổ chức một số khóa tập huấn kỹ năng phục vụ du lịch cho người dân, từ chế biến thực phẩm đạt quy chuẩn an toàn, kỹ năng phục vụ khách...
"Tân Hóa là nơi hội tụ mô hình trải nghiệm du lịch gắn với thiên nhiên, du lịch gắn với văn hóa và du lịch gắn với nông nghiệp.
Đặc biệt trong đó có thế mạnh là hệ thống hang động. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch phải luôn được tính toán một mức độ phù hợp để tránh áp lực về sức chứa lưu trú, quá tải, sẽ khó giữ vững được thế mạnh của các mô hình du lịch kể trên.
Do đó, chúng tôi cũng mong muốn kết nối với các địa phương khác trong tỉnh, thậm chí trong vùng từ Nghệ An, Hà Tĩnh cho đến Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, để tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch liên hoàn, hấp dẫn hơn, níu chân du khách lâu hơn cho cả vùng mà vẫn giữ được sự bền vững cho từng khu vực".
Bên cạnh đó, từ tháng 10-2022, UBND tỉnh Quảng Bình đã đồng ý chủ trương cho phép Công ty Oxalis khảo sát, thử nghiệm tour "trải nghiệm cuộc sống mùa lụt" tại Tân Hóa.
Theo mô hình này, nếu có lụt tại Tân Hóa, công ty sẽ được triển khai thí điểm đón khách bằng thuyền máy đưa khách vào "rốn lũ" và trải nghiệm chèo kayak, sup, thuyền đi ngắm lũ, tặng quà cho người dân cũng như trải nghiệm các hoạt động, sinh hoạt của người dân trong mùa lụt.
Người dân Tân Hóa, cũng như những người dân lâu đời ở các vùng núi khác, ngày xưa vốn rất giỏi làm gỗ từ rừng. Những dãy núi vôi xanh thẳm bao quanh Tân Hóa một thuở bạt ngàn các cây gỗ nằm trong nhóm 'tứ thiết' như đinh, lim, sến, táu...