Chiều 3-2, ông Lê Anh Tuấn - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cùng lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam, giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất... đi thẳng vào các "điểm nóng" dịp Tết ở nhà ga quốc nội, quốc tế.
Phải công khai thông tin thật đến khách
Đi bộ dọc từ nhà ga quốc nội, từ khu sảnh A (Vietnam Airlines, Vietravel Airlines, Bamboo Airways, Pacific Airlines) đến sảnh B (Vietjet), ông Tuấn đánh giá khung giờ trưa khu vực check-in thông thoáng, khách đi lại thuận lợi.
Hai ngày qua, thời tiết sương mù khu vực phía Bắc khiến nhiều chuyến bay không thể cất, hạ cánh vào sáng sớm. Từ đó, ảnh hưởng dây chuyền đến chuyến bay khởi hành đầu sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngày 3-2, lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất đạt 130.000 lượt, trong đó khách quốc nội đi đã hơn 62.000 người. Trong bối cảnh thời tiết xấu ở một số sân bay phía Bắc khiến ga quốc nội Tân Sơn Nhất có dấu hiệu ùn ứ.
Báo cáo thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo Cảng vụ Hàng không miền Nam cho biết đã họp với các hãng, đề xuất Cục Hàng không Việt Nam để điều phối lại tần suất chuyến bay ở Tân Sơn Nhất theo tình hình thời tiết, hạn chế tình trạng "bị động" như hôm qua.
Thế nhưng lịch khai thác của các hãng đã chốt sẵn, vé bán ra trước đó nên khó giảm chuyến.
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng các doanh nghiệp hàng không phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành, khai thác. Khi xảy ra chậm chuyến, sân bay và hãng tìm giải pháp giải tỏa khách. Trường hợp thời tiết xấu như vài hôm nay cần phải công khai, giải thích rõ hơn để khách hiểu.
Phải trăn trở với khó khăn của khách bị chậm chuyến bay, chờ đợi mỏi mệt ở sân bay, ông Tuấn cho rằng hãng bay và sân bay "tiếc gì lời xin lỗi".
Xin lỗi ở đây để khách thấu hiểu lý do, khách hiểu được nguyên nhân sẽ không còn lăn tăn hay ức chế khi bị hoãn chuyến kéo dài.
Bên cạnh đó ông Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm việc lại, sắp xếp lịch bay phù hợp với năng lực khai thác của sân bay và hãng. Bằng nhiều cách khác nhau, hạn chế chậm chuyến bay, đặc biệt mùa cao điểm Tết.
Đón khách du lịch, phải tạo niềm vui ngay tại khu vực sân bay
Ông Phạm Quốc Hùng - phó trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết tăng cường lực lượng túc trực để hỗ trợ khách hàng xuất, nhập cảnh dễ dàng hơn.
Tại khu vực nhập cảnh có 5 máy làm thủ tục tự động (autogate), khách Việt Nam có hộ chiếu gắn chip thực hiện nhập cảnh chỉ trong 15-20 giây là xong, tiết kiệm thời gian. Theo thống kê, 1.500 lượt khách/ngày làm thủ tục bằng autogate, số lượng đang tăng dần.
Tết 2024, theo đại diện Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, khoảng 70% lượng khách xuất cảnh là đi du lịch ở nước ngoài. Ở mỗi khu vực xuất, nhập cảnh đều có nhân sự túc trực, thậm chí nhận diện trường hợp khách cận giờ chuyến bay khởi hành để hỗ trợ thủ tục nhanh nhất.
Tại "điểm nóng" nhập cảnh ga quốc tế, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn nhìn nhận khu vực này cần đầu tư mạnh mẽ về trang thiết bị công nghệ mới, kéo giảm thời gian đợi chờ làm xuất nhập cảnh để đón nguồn khách du lịch năm 2024.
Dự báo năm nay du khách tăng trưởng mạnh, việc đón khách ngay cửa ngõ sân bay như khu vực xuất, nhập cảnh rất quan trọng, không để khách quốc tế phàn nàn chờ làm thủ tục lâu.
Để làm được điều này, ông Lê Anh Tuấn yêu cầu Cảng vụ Hàng không miền Nam, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất phối hợp chặt chẽ với Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất về công tác đầu tư trang thiết bị. Có khó khăn vướng mắc, kiến nghị ngay đến Bộ Giao thông vận tải để giải quyết.
"Tôi biết công tác phối hợp các bên ở group Viber là tốt rồi, nhưng cần có kiến nghị cụ thể hơn của các bên. Từng thông tin cụ thể sẽ có hướng giải quyết.
Khách chưa quen làm thủ tục Autogate, chủ động tuyên truyền để khách biết, sử dụng. Trang bị thiết bị hiện đại mấy đi nữa mà khách không tương tác cũng ảnh hưởng rồi" - ông Tuấn nói.
Rạng sáng 3-2, sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM đông nghẹt khách. Bên trong ga quốc nội, hàng ngàn người lỉnh kỉnh hành lý, lớp đứng lớp ngồi kín các cửa ra máy bay.