Những ngày cận Tết cổ truyền của Việt Nam, đoàn công tác do Bộ trưởng Tái thiết Nhật Bản Shinako Tsuchiya dẫn đầu đã đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội xúc tiến hàng hóa, sản phẩm vùng Tohoku, chủ yếu là 3 tỉnh Fukushima, Iwate, Miyagi. Đây là các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề trong thảm họa kép động đất, sóng thần năm 2011.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, bộ trưởng Nhật Bản dành thời gian tìm hiểu về tình hình nhập khẩu, phân phối các sản phẩm thực phẩm nói chung của Nhật Bản và nói riêng của vùng Tohoku.
Bộ trưởng Nhật Bản đã dự Lễ hội trái cây của tỉnh Fukushima diễn ra tại siêu thị AEON Mall ở TP.HCM, đến thăm và làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA). Đoàn cũng đến tìm hiểu các sản phẩm Nhật Bản đang bày bán tại Công ty Phan Thành Akuruhi, một doanh nghiệp Việt Nam, chuyên nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thực phẩm và đồ uống từ Nhật bản.
Tại buổi làm việc với doanh nghiệp này chiều 3-2, Bộ trưởng Shinako Tsuchiya cho biết Bộ Tái thiết của Chính phủ Nhật Bản được thành lập từ năm 2012, sau trận động đất và sóng thần xảy ra ở vùng Tohoku năm 2011, có trọng trách hỗ trợ tối đa các địa phương của vùng Tohoku hồi phục hoạt động, phát triển kinh tế từ sau thảm họa.
Bà cũng thông tin về tiềm năng của nông sản, thủy sản của vùng Tohoku. Theo đó, tỉnh Fukushima nổi tiếng với giống táo ngọt, thơm và quả đào tươi. Và nhắc đến tỉnh Miyagi thì cá các loại chính là niềm tự hào của địa phương này, ở đây còn có chợ cá nổi tiếng.
Bà Lâm Thị Hoàng Trúc, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH Phan Thành Akuruhi, cho biết xu hướng hàng nhập khẩu từ Nhật Bản trong 3 năm gần đây có giảm nhẹ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế thế giới bất ổn, chiến sự ở một khu vực... Năm 2021 nhập khẩu hàng hóa của công ty từ Nhật Bản đạt 7,4 triệu USD, năm 2022 giảm còn 6,92 triệu USD. Xu hướng giảm nhẹ tiếp tục diễn ra trong năm 2023.
Tuy vậy, theo bà Trúc, tình hình xuất nhập khẩu giữa hai nước kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong năm 2024. Hiện tại Akuruhi đang kinh doanh các mặt hàng của vùng Tohoku như mực ống dồn trứng (Komochi yari Ika), cá trích ép trứng (Komochi Nisshin), mì gói Igarashi Seimen (với hương vị nước tương, muối hoặc miso), vây cá bơn của tỉnh Miyagi.
Bà Hoàng Trúc cũng chia sẻ thêm hiện tại có khá nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam chưa được miễn giảm thuế nhập khẩu, do các nhà sản xuất chưa xin được giấy chứng nhận xuất xứ (CO form JV).
Vì vậy, nếu các sản phẩm của vùng có được giấy chứng nhận này thì giá thành hàng nhập từ Nhật Bản sẽ giảm, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao của Nhật, mở ra cơ hội nâng cao sản lượng nhập khẩu hải sản Nhật vào thị trường Việt Nam.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko, nhấn mạnh dư địa phát triển quan hệ vẫn còn nhiều.