Nhiều đời nay, bánh hộc trở thành món dọn ngày Tết không thể thiếu với người Mai Xá (xã Gio Mai, Gio Linh, Quảng Trị).
Bánh làm từ hạt lúa nếp được rang bung nở quyện với mùi thơm của gừng, ngọt dẻo của đường và bùi của hạt lạc. Tất cả được trộn, hòa quyện vào nhau và đóng chặt thành bánh.
Làng bánh hộc cộp cộp dịp Tết
5 năm qua, sát Tết cổ truyền là vợ chồng chị Trần Thị Phượng - Trương Quang Bảo lại sửa soạn làm bánh hộc để làm quà Tết dọn cỗ cho nhiều gia đình.
Anh Bảo là người gốc Mai Xá, gắn bó với bánh hộc từ thời gian khó. Vị bánh in vào tâm trí thời ấu thơ và lớn lên cùng anh mỗi dịp Tết đến xuân về.
Trong khi đó, chị Phượng là người nơi khác về làm dâu, bén duyên với bánh hộc khi tình cờ được người hàng xóm bày cho cách làm.
"Năm nào cũng được bố mẹ chồng làm bánh hộc rồi tặng cho vợ chồng, nên tôi cũng thử làm. Lúc đầu hư mất mấy cái, cái thì không kết dính, cái quá dẻo…", chị Phượng kể.
Năm sau, chị đúc rút kinh nghiệm, làm thành công rồi mang biếu bạn bè, thầy cô ở nơi công tác làm quà Tết.
Thấy vị bánh thơm ngon, gợi nhớ tuổi thơ, nhiều người đặt làm để dọn trong mâm cỗ ngày xuân. Lượng bánh tăng dần hằng năm, từ 300 lên 600 bánh vào xuân Giáp Thìn này.
"Khâu khó nhất là rang hạt lúa nếp trên bếp than hồng để hạt nếp bung nở trắng xóa. Sau đó, sàng bỏ vỏ trấu, trộn với nước đường, gừng xay, đậu lạc rồi đóng thành bánh", chị Phượng cho hay.
Nguyên liệu đổ vào khuôn gỗ, anh Bảo dùng chày đóng chặt thành bánh. "Nghe tiếng cộp cộp là biết nhà đang làm bánh hộc. Tết đến, cả làng rộn tiếng cộp cộp đến tận khuya", anh Bảo nói.
Khi vị quê thành hàng hóa, gửi đi Mỹ
Mỗi cái bánh hộc nặng khoảng 1kg, được chị Phượng bán 120.000 đồng/cái, khách mua sỉ giá mềm hơn.
Nhờ bánh hộc mà Tết hằng năm, gia đình chị Phượng có thêm một cái Tết vui vầy hơn nhờ nguồn thu hàng chục triệu đồng.
"Nguyên liệu bánh dân dã nên vốn không nhiều, nhưng công sức thì rất lớn, phải thức khuya dậy sớm", chị Phượng chia sẻ.
Hiện nay, Mai Xá có khoảng 10 hộ dân làm bánh hộc, xuất bán khắp cả nước. Một số hộ còn gửi bánh sang tận Mỹ để làm quà.
Nghề chỉ xuất hiện vào dịp Tết nhưng mang lại cho người làm bánh một nguồn thu đáng kể. Cạnh đó, bánh còn mang lại hương vị quê nhà, dân dã trên mâm cỗ ngày xuân.
Bánh hộc được cắt thành lát mỏng, dọn với chè xanh mang lại hương vị đong đầy nỗi nhớ quê hương.
Sát Tết Nguyên đán, hơn 130 hộ dân ở làng nghề Mỹ Chánh thức dậy từ 3-4h sáng để làm mứt gừng, bánh lọc phục vụ nhu cầu tăng cao dịp Tết.